Quốc gia chịu ảBrazilnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 585.075 ca tử vong trong tổng số 32.735.704 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 189.549 ca tử vong trong số 16.610.481 ca bệnh. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 346.786 ca mắc mới và 2.624 ca tử vong, cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày.
Trước diễn biến dịch phức tạp tại Ấn Độ, Đức tạm thời cấm nhập cảnh, trừ công dân Đức, đối với hành khách từ Ấn Độ, kể từ ngày 26/4 tới. Kuwait cũng thông báo tạm dừng tất cả các chuyến bay từ Ấn Độ tới quốc gia này.
Tiếp sau Ấn Độ là Brazil với tổng cộng 14.238.110 ca mắc, trong đó 386.623 ca tử vong.
Mỹ và đứng thứ hai và thứ ba thế giới về số ca mắc mới trong 24 giờ qua, lần lượt là 66.515 ca và 65.971 ca.
Xét về khu vực, châu Âu tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong - với 43.656.614 ca mắc, trong đó số ca tử vong gần chạm mức 1 triệu người. Pháp vẫn là nước có số ca mắc mới cao nhất khu vực này với 32.340 ca trong vòng 24 giờ qua.
Đứng thứ hai là khu vực Bắc Mỹ với 37.841.599 ca mắc và 853.485 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 36.091.974 ca mắc, trong đó 486.619 ca tử vong. Đáng chú ý, Nhật Bản thông báo ghi nhận hơn 5.500 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, trong bối cảnh thủ đô Tokyo và nhiều khu vực khác có nguy cơ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong số ca mắc mới, Tokyo ghi nhận 876 ca, mức cao nhất kể từ khi khu vực này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi tháng 3. Tỉnh Osaka, địa phương đang là ổ dịch nghiêm trọng nhất tại Nhật Bản, ghi nhận 1.097 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp số ca lây nhiễm mới vượt mức 1.000 ca/ngày.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á vẫn chưa hạ nhiệt khi số ca mắc mới vẫn tăng cao. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) thông báo đã ghi nhận thêm 2.839 ca nhiễm mới, tăng 769 ca so với ngày hôm trước, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 trên cả nước lên 53.022 ca. Thái Lan cũng có thêm 8 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi do bệnh này lên 129 người. Đây là số ca mắc mới và tử vong theo ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.
Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 xác nhận nước này có thêm 88 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 84 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Lào ghi nhận mức tăng 2 con số. Đáng chú ý, các ca mắc mới đều là lây nhiễm cộng đồng, trong đó có cả trẻ em, với tâm điểm vùng dịch vẫn là thủ đô Viêng Chăn.
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 10/18 tỉnh, thành phố của Lào ra lệnh phong tỏa, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam. Các tỉnh thành còn lại cũng tăng cường hàng loạt biện pháp cứng rắn để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID- 19 vào địa bàn tỉnh, một số tỉnh thậm chí đã tiến hành cách ly 14 ngày đối với người về từ thủ đô Viêng Chăn.
Đến nay Lào đã ghi nhận tổng cộng 247 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp nào tử vong.
Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này cho biết số ca nhiễm mới tiếp tục tăng ở mức 3 con số, với 511 trường hợp, trong khi có thêm 10 bệnh nhân tử vong do COVID-19. Đây là ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ ca tử vong đầu tiên được ghi nhận liên quan “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”.
Về các “khu vực đỏ” tại thủ đô Phnom Penh, nơi được cho là có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, gồm 3 quận Steung Meanchey, Por Senchey và Toul Kork, người phát ngôn Chính quyền Đô thành Phnom Penh, ông Met Meas Pheakdey ngày 24/4 cho biết các cơ quan chức năng sẽ tổ chức một nhóm y bác sĩ đến gần nhà những người dân không thể ra ngoài ở khu vực này để lấy mẫu xét nghiệm.
Chính quyền Phnom Penh đã phải đóng cửa tất cả các khu chợ do nhà nước điều hành và chợ dân sinh tại thủ đô trong vòng 14 ngày. Tất cả các tiểu thương và nhân viên bảo vệ có mặt tại các chợ trên từ ngày 14/4 đến nay phải đi xét nghiệm COVID-19. Sau đó, những người này phải tự cách ly trong vòng 14 ngày.
Tại Malaysia, do xuất hiện các trường hợp mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2, cùng ngày, chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với người nhập cảnh từ 10 ngày lên 14 ngày. Bộ trưởng Cấp cao kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết những người nhập cảnh từ các nước có nhiều ca nhiễm biến thể mới trước khi nhập cảnh vào Malaysia 3 ngày phải xét nghiệm COVID-19, đồng thời tải, đăng ký và kích hoạt ứng dụng MySejahtera để quét mã QR khi vào Malaysia. Bên cạnh đó, họ phải cách ly và chịu sự giám sát tại trung tâm cách ly với thời gian cách ly kéo dài 14 ngày.
Theo Bộ Y tế Malaysia, từ ngày 14-23/4, nước này phát biện thêm 4 ca nhiễm biến chủng mới có nguồn gốc từ Nam Phi, đưa tổng số trường hợp nhiễm biến chủng này lên 21 ca. Ngày 24/4, Malaysia phát hiện thêm 2.717 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ 10 liên tiếp số ca mới mắc COVID-19 ở Malaysia trở lại trên ngưỡng 2.000 ca/ngày.
Trong khi đó, giới chức y tế Thụy Sĩ cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vốn khiến dịch bệnh bùng phát dữ dội hiện nay tại Ấn Độ. Theo đó, ca mắc là môt hành khách từng quá cảnh tại một sân bay. Giới chức Thụy Sĩ không công bố thêm chi tiết. Thông tin trên được đưa ra sau khi giới chức Bỉ thông báo một nhóm gồm 20 sinh viên Ấn Độ đi từ Paris, Pháp, đã được phát hiện mắc biến thể trên khi nhập cảnh vào nước này.
Liên quan đến vaccine, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép nối lại việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) sau 10 ngày tạm đình chỉ để điều tra các ca đông máu sau tiêm. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Vaccine ngừa COVID-19 của J&J là loại vaccine một liều và chỉ cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh thông thường.