Trong 12 tháng qua, thế giới đã có một tân Tổng thống Mỹ, các fan hâm mộ háo hức đón nhận album mới của nữ danh ca Adele và những người yêu thể thao lần đầu tiên được chứng kiến một kỳ Olympic không khán giả. Cuộc sống của nhân loại tiếp tục đối mặt với nhiều bất trắc khi đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ ba. Dù còn nhiều người nghèo vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ vaccine, song năm 2021 đã có khởi đầu tốt đẹp khi các nước triển khai tiêm phòng COVID-19 cho khoảng 60% dân số thế giới.
Tuy nhiên, khi năm cũ chuẩn bị khép lại, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến Anh, Mỹ và thậm chí là Australia đã lần lượt ghi nhận số ca nhiễm mới tăng chóng mặt. Đặc biệt, trong giai đoạn từ ngày 24 - 30/12 vừa qua, lần đầu tiên số ca nhiễm mới hàng ngày trên toàn cầu đã vượt 1 triệu ca. Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách đã kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây vẫn đang áp lệnh phong tỏa, trong khi nhiều sự kiện chào đón năm 2022 tại các thành phố lớn đã bị hủy. Tại Hàn Quốc, giới chức thành phố Seoul cũng cấm người dân tới xem sự kiện truyền thống rung chuông đêm giao thừa. Thay vào đó, các gia đình có thể theo dõi sự kiện này trực tiếp trên truyền hình hoặc trên nền tảng thực tế ảo metaverse. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại các bữa tiệc và giới hạn số người tham dự. Chính quyền quận Shibuya, địa điểm giải trí nổi tiếng ở thủ đô Tokyo, đã cấm các bữa tiệc cuối năm.
Nhằm ngăn các đám đông tụ tập, nhà chức trách Ấn Độ đã bắt đầu áp đặt các quy định nghiêm ngặt từ ngày 30/12 với lệnh giới nghiêm buổi tối tại các thành phố lớn và yêu cầu các nhà hàng phải hạn chế lượng khách. Tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ), quy mô các sự kiện ăn mừng chính thức cũng sẽ bị thu hẹp, song người dân sẽ không vì thế mà bỏ lỡ thời khắc đếm ngược quan trọng tại đây. Còn tại Rio de Janeiro (Brazil), các hoạt động đón mừng năm mới vẫn diễn ra như bình thường. Mọi năm hoạt động này thường thu hút khoảng 3 triệu người đến bãi biển Copacabana của thành phố.
Trái ngược với thái độ thận trọng này, Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, vẫn quyết tâm tổ chức màn bắn pháo hoa đêm giao thừa. Với tỷ lệ tiêm phòng cao ở người trưởng thành, có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron không dẫn đến nguy cơ tử vong cao, trong khi các bệnh viện vẫn ứng phó tốt với dịch bệnh, Chính phủ Australia đã từ bỏ chiến lược "Zero COVID", chọn cách sống chung và thích nghi với tình hình dịch bệnh. Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet thậm chí còn kêu gọi người dân ra đường ăn mừng Năm mới bất chấp việc số ca nhiễm mới theo ngày tại bang này đã tăng gần gấp đôi lên mức cao nhất từ trước đến nay là 21.151 ca. Do đó, không giống như màn pháo hoa không người xem như năm ngoái, sẽ có rất nhiều người đổ về vịnh Sydney để thưởng thức khoảnh khắc rực rỡ đón mừng chuyển giao sang Năm mới này.
Tương tự, tại Nam Phi, quốc gia phát hiện biến thể Omicron vào tháng trước, đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến 4h sáng để cho phép người dân tổ chức các hoạt động ăn mừng. Giới chức y tế Nam Phi nhận định xu hướng số ca nhiễm giảm đi trong tuần qua cho thấy nước này đã đi qua giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch bệnh hiện nay.
Trước những diễn biến mới của dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại rằng cùng với biến thể Delta, sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt, qua đó tiếp tục gây áp lực đối với các nhân viên y tế, khiến nhiều hệ thống y tế trên bờ vực sụp đổ. Mặc dù vậy, các chuyên gia đều hy vọng rằng năm 2022 sẽ được nhớ đến là giai đoạn mới và ít ảm đạm hơn của đại dịch COVID-19.