Thậm chí ngay cả những nỗ lực đầy tham vọng nhằm hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính cũng không thể ngăn chặn tần suất xảy ra các đám cháy rừng nghiêm trọng. Đây là cảnh báo được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 23/2.
Báo cáo nhận định trong vòng 28 năm tới, nguy cơ xảy ra các vụ cháy rừng trong một năm nào đó có thể tương tự như "mùa Hè đen" của Australia năm 2019-2020 hay các đám cháy lớn ở Bắc Cực vào năm 2020 có thể tăng tới 31-57%.
Trái Đất nóng lên đang biến nhiều khu vực trở thành mồi lửa và thời tiết cực đoan hơn đồng nghĩa với gió mạnh hơn, nóng hơn và khô hạn hơn tạo điều kiện cho lửa bùng phát mạnh hơn. Báo cáo nêu rõ những đám cháy rừng như vậy không chỉ đang bùng phát ở những khu vực vẫn thường xuyên xảy ra mà còn bùng phát ở những nơi hiếm khi xảy ra, trong đó có các vùng đất than bùn khô hay tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu đang tan chảy.
Ông Peter, đồng tác giả báo cáo và là chuyên gia trong lĩnh vực quản lý cháy rừng tại Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), khẳng định cháy rừng sẽ tác động lâu dài đến con người về mặt xã hội, sức khỏe, tâm lý. Theo ông, các đám cháy rừng lớn, có thể hoành hành trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, sẽ gây ra các vấn đề về hô hấp và tim mạch, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ.
Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí The Lancet cũng cho thấy việc tiếp xúc với khói, bụi từ các đám cháy rừng là nguyên nhân gây ra hơn 30.000 ca tử vong mỗi năm tại 43 nước. Thiệt hại do cháy rừng gây ra tại Mỹ - một trong số ít các nước tính chi phí này, dao động trong khoảng từ 71 tỷ - 348 tỷ USD trong những năm gần đây.
Chưa kể các vụ cháy rừng còn có thể cướp đi mạng sống của nhiều loài động vật hoang dã, đẩy một số loài đến bên bờ vực tuyệt chủng. Các nhà khoa học ước tính gần 3 tỷ động vật có vú, bò sát, chim và ếch đã bị chết hoặc bị đe dọa trong các vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra năm 2019-2020 ở Australia.
Trên thực tế, trong 3 năm trở lại đây, các đợt nắng nóng, thời tiết khô hạn và độ ẩm của đất giảm, do sự ấm lên của Trái Đất, đã góp phần gây ra các đám cháy rừng lớn nhất trong lịch sử tại miền Tây nước Mỹ, Australia và lưu vực Địa Trung Hải.
Ngay cả Bắc Cực - trước đây chưa từng xảy ra cháy rừng, cũng đang chứng kiến các vụ cháy ngày một gia tăng, đặc biệt là các vụ cháy âm ỉ dưới lòng đất suốt cả mùa Đông trước khi bùng phát thành đám cháy lớn.
Cháy rừng còn khiến biến đổi khí hậu tăng tốc, tạo ra một vòng luẩn quẩn giữa cháy rừng và nhiệt độ tăng. Chỉ riêng trong tháng 7 và 8/2021, cháy rừng gia tăng đã thải ra hơn 2,5 tỷ tấn CO2 làm Trái Đất ấm lên, tương đương với lượng khí phát thải hằng năm của cả Ấn Độ.
Do đó, báo cáo của UNEP đề nghị các chính phủ cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy rừng. Theo đó, các nước cần dành 45% ngân sách để phòng ngừa cháy rừng, 34% để ứng phó khi xảy ra cháy rừng và 20% để phục hồi hậu cháy rừng.