Thế giới đã ghi nhận trên 182,7 triệu ca mắc COVID-19; chiều hướng xấu ở Đông Nam Á

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 30/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 182.721.607 ca COVID-19, trong đó có 3.956.507 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện toàn thế giới vẫn còn 11,44 triệu bệnh nhân COVID-19 đang điều trị và trên 167,32 triệu bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có thêm trên 2,6 triệu ca mắc COVID-19 và 57.000 trường hợp tử vong được ghi nhận trên thế giới trong tuần qua. Số ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu vẫn ở mức rất cao, với trung bình trên 370.000 trường hợp được ghi nhận mỗi ngày.

Theo WHO, tình trạng lây lan của các biến thể đáng lo ngại ngày càng phức tạp, trong đó biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh vào tháng 9/2020 đã lây lan sang 172 quốc gia; biến thể Beta được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi được ghi nhận ở 120 quốc gia; biến thể Gamma được phát hiện ở Brazil vào tháng 9/2020 đã có mặt ở 72 quốc gia. Đặc biệt, chỉ trong tuần qua, biến thể Delta được ghi nhận đầu tiên ở Ấn Độ đã lây lan sang 11 quốc gia mới, nâng tổng số quốc gia xác nhận có người nhiễm biến thể này lên con số 96. Các chuyên gia nhận định rằng biến thể Delta sẽ nhanh chóng trở thành biến thể gây bệnh nhiều nhất trong những tháng tới.

Tại Đông Nam Á, Lào tiếp tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 tại các tỉnh ngoài thủ đô Viêng Chăn, đặc biệt lần đầu Lào ghi nhận biến thể Delta. Lào ghi nhận 20 ca mắc mới COVID-19, trong đó tỉnh Viêng Chăn có 4 ca cộng đồng, các trường hợp còn lại là các ca nhập cảnh đã được cách ly. Bộ Y tế Lào xác định có 3 người lao động trở về từ Thái Lan, đã mắc biến thể Delta, được cách ly ngay ở tỉnh Champasak. Bộ trên kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch, nhanh chóng thông báo cho nhà chức trách nếu phát hiện trường hợp nghi nhập cảnh trái phép để sớm ngăn chặn các nguy cơ bùng phát dịch mới. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.121 ca mắc COVID-19 và 3 người tử vong.

Thái Lan ghi nhận thêm 4.786 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 53 trường hợp tử vong - mức tử vong cao nhất theo ngày kể từ đầu mùa dịch tới nay. Đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 259.301 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.023 người không qua khỏi. Người dân Thái Lan sẽ có cơ hội lựa chọn tiêm vaccine dịch vụ phòng COVID-19 trong quý IV/2021 nếu không muốn chờ vaccine miễn phí của chính phủ, sau khi các bệnh viện tư nhân nhận được vaccine của hãng Moderna vào đầu tháng 10. Truyền thông sở tại đưa tin giá tiêm dịch vụ vaccine của Moderna là 3.400 baht (khoảng 106 USD) cho hai liều, bao gồm cả phí dịch vụ và bảo hiểm.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu tại Campuchia khi số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trong ngày 30/6 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch đến nay. Bộ Y tế Campuchia xác nhận tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt ngưỡng 50.000 ca và chỉ trong 24 giờ qua đã có thêm 1.130 ca  mới (bao gồm cả 139 ca nhập cảnh). Đây là lần đầu tiên số ca mắc COVID-19 trong một ngày tại Campuchia ở mức 4 chữ số. Cùng với đó, số ca tử vong cũng cao chưa từng thấy với 27 người, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại đây lên 602 ca kể từ “sự cố cộng đồng ngày 20/2”.

Trước ngày 20/2, Campuchia chưa có ca tử vong nào vì COVID-19. Nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vaccine để đưa nền kinh tế sớm hoạt động bình thường trở lại, thêm 6 tỉnh của Campuchia khởi động chiến dịch tiêm phòng cho công nhân ngành may mặc và người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.

Indonesia ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất, với 21.807 ca, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 2.178.272 ca. Nước này có thêm 467 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 58.491 ca. Chính phủ Indonesia thông báo sẽ áp dụng lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng khẩn cấp từ ngày 3 - 20/7 với mục tiêu giảm số ca xuống còn 10.000 ca/ngày.

Indonesia dự kiến sẽ phong tỏa 121 quận/huyện và thành phố trên đảo Java và Bali. Cụ thể, 100% công chức, nhân viên làm việc trong các lĩnh vực không thiết yếu phải làm việc tại nhà. Các trung tâm thương mại, đền thờ Hồi giáo, công viên và phòng trưng bày phải đóng cửa. Các cửa hàng tiện ích, siêu thị, chợ truyền thống được mở cửa đến 20h hằng ngày và hoạt động tối đa 50% công suất. Các quán ăn chỉ được bán đồ mang về. Các phương tiện giao thông công cộng hoạt động ở mức 70% công suất. Du khách nội địa đi đường dài trước khi sử dụng phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19, giấy xét nghiệm PCR có kết quả âm tính.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng lặng trên đường phố thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia khi lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt nhằm phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia ghi nhận 62 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số người tử vong vì dịch bệnh tại nước này tính riêng trong tháng 6 lên 2.377 người, tăng hơn 84% so với tháng 5 (1.290 người) và gấp hơn 5 lần so với tổng số người tử vong vì COVID-19 trong cả năm 2020 (471 người). Nước này cũng ghi nhận 6.276 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới hằng ngày trên mức 6.000 ca, sau 5 ngày liên tiếp khoảng 5.000 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 751.979 ca COVID-19, bao gồm 64.129 ca vẫn đang điều trị, tương đương 8,53%, và 5.170 ca tử vong (khoảng 0,69%).

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong hai tháng trở lại đây với 794 ca, trong đó có 759 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 156.961 người. Số ca mắc mới tăng mạnh sau khi xuất hiện một loạt các ổ lây nhiễm tập thể ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon).

Trước việc số ca nhiễm tăng trở lại, sự quan ngại về biến thể Delta và người dân có tâm lý lơ là phòng dịch, giới chức y tế Hàn Quốc đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch tăng cường đối với các cơ sở dễ phát sinh lây nhiễm (như nhà hàng, quán cà phê và phòng tập thể dục trong nhà) ở khu vực thủ đô trong hai tuần (cho đến ngày 14/7 tới). Các chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội có thể làm bùng phát số ca mắc mới do những người trong độ tuổi từ 20 đến 50 vẫn chưa được tiêm phòng.

Tính đến hết tháng 6, Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi một cho 15,32 triệu người (tương đương 29,8% dân số). Khoảng 9,5% (4,90 triệu người) đã tiêm đủ liều. Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hoàn tất tiêm phòng cho khoảng 36 triệu người vào tháng 9 tới để đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Ấn Độ thông báo tiếp tục cấm các chuyến bay quốc tế thương mại đi và đến nước này cho đến ngày 31/7. Tuy nhiên, hạn chế này không áp dụng đối với các máy bay chở hàng quốc tế hoặc các chuyến bay đặc biệt. Ấn Độ đã cấm các chuyến bay thương mại khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hoàn toàn vào cuối tháng 3 năm ngoái nhằm khống chế dịch COVID-19.

Bangladesh sẽ triển khai quân đội thực thi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kể từ ngày 1/7, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này đang gia tăng do sự xuất hiện của biến thể Delta. Hầu hết các hạn chế trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng vào tháng 4 vừa qua đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, do số ca nhiễm mới trong tuần này tăng cao kỷ lục, chính phủ nước này buộc phải ra lệnh giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt trong một tuần. Bangladesh ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục trong tuần này, với 7.666 ca nhiễm mới trong ngày 29/6 và 112 ca tử vong. Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 904.436 ca nhiễm, trong đó có 14.388 người không qua khỏi. 

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Nga thông báo có thêm 669 ca tử vong do COVID-19, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Nga cũng ghi nhận thêm 21.042 ca mắc mới, trong đó có 5.823 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 5.514.599, trong đó có 135.214 ca tử vong. Theo Chính phủ Nga, số ca mắc gia tăng là do biến thể Delta.

Tại Pháp, cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Pháp, Giáo sư Jean-François Delfraissy, nhận định quốc gia châu Âu này có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 do sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc triển khai tiêm vaccine sẽ giúp giảm thiểu tác động của làn sóng dịch mới, mà theo dự báo của nhiều chuyên gia y tế, có thể tấn công Pháp vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

Pháp đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế được áp đặt từ tháng 4 vừa qua đối với các nhà hàng, rạp chiếu phim, cửa hàng và các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn đang được gia hạn tại các khu vực Tây Nam do sự lây lan của biến thể Delta. Nước Pháp đang trong quá trình mở cửa lại theo từng giai đoạn. Dự kiến, vào ngày 9/7 tới, các hạn chế liên quan đến hộp đêm sẽ được dỡ bỏ.

Lê Ánh (TTXVN)
 Lần đầu tiên ghi nhận biến thể Delta tại Lào
Lần đầu tiên ghi nhận biến thể Delta tại Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Bộ Y tế Lào ngày 30/6 thông báo trong 24 giờ qua, nước này tiếp tục ghi nhận các ca mắc COVID-19 tại các tỉnh ngoài thủ đô Viêng Chăn, đặc biệt lần đầu Lào ghi nhận biến thể Delta, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN