Biến thể Delta đe dọa nỗ lực kiềm chế dịch bệnh
Biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh đang gây ra các làn sóng lây nhiễm mới ngay cả tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở mức cao.
Ngày 25/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng nhiều nước hiện nay đều lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Theo ông, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định từ trước đến nay. Hiện biến thể này xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm vaccine COVID-19. Ông cũng nhận định dịch bệnh đang gia tăng trở lại trên khắp thế giới là do các nước nới lỏng những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Hiện số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trở lại ở nhiều nước, một phần là do biến thể Delta.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) ước tính số ca nhiễm biến thể Delta có thể chiếm đến 70% số ca bệnh mới ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng 8 tới và lên đến 90% vào cuối tháng đó.
Số liệu của Chính phủ Nga công bố ngày 29/6 cho biết thành phố St.Petersburg có tới 119 ca tử vong - mức cao kỷ lục theo ngày. Số ca tử vong tăng cao kỷ lục do biến thể Delta cũng làm gia tăng mạnh số ca nhiễm ở Nga.
Tại Anh, số ca nhiễm biến thể Delta đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh mới. Biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn 40-60% so với biến thể Alpha - biến thể có thể lây nhiễm nhanh hơn so với chủng ban đầu gây ra làn sóng dịch bệnh đầu tiên.
Đức cũng cho biết các ca mắc mới biến thể Delta đã tăng hơn gấp đôi trong hơn một tuần qua.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết biến thể Delta hiện là nguyên nhân gây ra khoảng 20% số ca mắc mới COVID-19 tại nước này, tăng so với tỷ lệ 9-10% số ca mắc được ước tính vào tuần trước.
Tại Thái Lan, Cục Khoa học Y tế của Thái Lan cho biết khoảng 30% số bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Bangkok sẽ được xét nghiệm để xác định xem họ có nhiễm biến thể Delta hay không, vì biến thể này dự kiến trở thành biến thể chủ yếu ở Bangkok trong vòng vài tháng tới. Cục Khoa học Y tế Thái Lan cho biết thêm 25,66% số ca nhiễm mới ghi nhận ở Bangkok tuần trước là các ca nhiễm biến thể Delta.
Tại Mỹ, 35% số ca bệnh mới đã nhiễm biến thể Delta, tăng từ tỷ lệ khoảng 10% ghi nhận vào ngày 5/6. Nhà chức trách cũng cảnh báo biến thể Delta có thể sẽ sớm trở thành biến thể chủ yếu ở nước này. Thống kê của trang covSpectrum cho thấy biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh và hiện chiếm 35,6% số ca mắc trong 2 tuần qua.
Các nước cảnh giác cao, tăng cường đối phó biến thể Delta
Ý thức rõ về tốc độ lây lan cũng như những nguy hiểm của biến thể Delta, các nước lại siết chặt phòng dịch bệnh và tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho nhóm người chưa tiêm. Giới chuyên gia cảnh báo những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, đặc biệt biến thể Delta dễ lây lan.
Cho rằng biến thể Delta là "mối đe dọa lớn nhất" đối với những nỗ lực kiểm chế dịch bệnh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci đã kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine COVID-19.
Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cho thấy nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng do biến thể Delta.
Tại Italy, trước nguy cơ biến thể Delta lây lan nhanh, ngày 26/6, Bộ Y tế nước này đã gửi thông tư tới các vùng, trong đó nêu rõ: "Cần tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và theo dõi tất cả các trường hợp mắc mới".
Tại Canada, giới chức y tế cho biết 75% người dân Canada phải được tiêm chủng đầy đủ trước khi các biện pháp bảo vệ ở không gian trong nhà có thể được dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng nếu biến thể Delta trở thành dòng “chủ đạo” ở Canada, 80% dân số sẽ phải được tiêm chủng đầy đủ rồi các biện pháp đó mới được dỡ bỏ, để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa Thu.
Tại Nam Phi, Tổng thống Nam Phi dự kiến áp đặt các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ hơn sau khi các nhà khoa học công bố phần lớn các ca nhiễm COVID-19 mới là do nhiễm biến thể Delta.
Vaccine COVID-19 hiệu quả tới đâu với Delta?
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các loại vaccine COVID-19 hiện nay có hiệu quả kém hơn một chút trong phòng ngừa biến thể Delta, nhưng vẫn cho thấy hiệu quả cao nếu tiêm đủ 2 liều.
Theo hãng thông tấn RIA, Viện Gamaleya phát triển vaccine Sputnik V của Nga ngày 29/6 cho biết vaccine này đạt hiệu quả khoảng 90% trong phòng chống biến thể Delta.
Kết quả một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford thực hiện và công bố trên tạp chí Cell ngày 23/6 cho thấy vaccine COVID-19 của AstraZeneca và liên doanh Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) vẫn có hiệu quả chống lại hai biến thể là Delta và Kappa.
Cụ thể, vaccine Pfizer/BioNTech và AstraZeneca vẫn có hiệu quả bảo vệ người tiêm chủng cao tới hơn 90% để không phải nhập viện điều trị do nhiễm biến thể Delta. Qua đó, các nhà nghiên cứu khuyến khích các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để phòng dịch COVID-19.
Ngày 29/6, Công ty Moderna cho biết kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy những người được tiêm vaccine Moderna đều cho phản ứng kháng thể đối với tất cả biến chủng được thử nghiệm, kể cả biến chủng Delta.
Về phần mình, chuyên gia dịch tễ học cấp cao Trung Quốc Zhong Nanshan ngày 25/6 khẳng định các vaccine của Trung Quốc hiệu quả với biến thể Delta, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục đi tiêm để tạo miễn dịch cộng đồng. Cựu Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc Feng Zijian cho biết: “Trong đợt bùng phát dịch tại Quảng Đông, những trường hợp từng tiêm vaccine đều không bị nặng, trong khi tất cả các ca bệnh nặng đều là ca chưa được tiêm phòng". Tuy nhiên, theo ông Feng, hiện chưa có số liệu chính xác bao nhiêu người trong số này nhiễm biến thể Delta.
Biến thể Delta còn có một dòng đột biến là Delta Plus, được coi là một biến thể độc hại. Bộ Y tế Ấn Độ đã sớm coi Delta Plus là biến thể gây lo ngại và đưa ra cảnh báo về biến thể này. Vào thời điểm hiện tại, Delta Plus mới chỉ xuất hiện ở một số khu vực hạn chế của Ấn Độ, nhưng dự báo chỉ một thời gian ngắn nữa, Delta Plus sẽ xuất hiện trên hầu khắp Ấn Độ. Phiên bản đột biến của Delta này được phát hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào tháng 3, nhưng người ta mới chỉ biết đến nó vào ngày 13/6. Mặc dù các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu về biến thể này, họ cho rằng Delta Plus có khả năng truyền nhiễm mạnh hơn.
Biến thể Delta Plus có 3 đặc điểm đáng lo ngại: khả năng truyền nhiễm cao hơn, bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và làm giảm khả năng đáp ứng của kháng thể đơn dòng. Theo các chuyên gia, Delta Plus có một đột biến gọi là K417N - lần đầu tiên được phát hiện trong biến thể Beta (nguồn gốc từ Nam Phi). Đặc điểm này cộng với tất cả các đặc tính thừa hưởng của Delta có thể làm cho biến thể Delta Plus trở nên dễ lây nhiễm hơn nhiều.