Thế giới đã ghi nhận khoảng 16,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận khoảng 16,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có trên 657.000 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là hơn 10.275.000 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của bệnh nhân trước khi tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 24/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 với 4.435.761 ca nhiễm và 150.526 ca tử vong. Trong khi đó khoảng 2,1 triệu bệnh nhân tại Mỹ đã bình phục và xuất viện.

Sau Mỹ, các quốc gia có số ca nhiễm cao là Brazil với 2.446.397 ca nhiễm và 87.737 ca tử vong, Ấn Độ với 1.493.904 ca nhiễm và 33.537 ca tử vong, Nga với 823.515 ca nhiễm và 13.504 ca tử vong.

Tại châu Âu, Văn phòng báo chí Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người LB Nga Rospotrebnadzor cho biết hiện nước này có 261.722 người đang được giám sát y tế do nghi nhiễm hoặc nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong toàn bộ thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, Nga đã thực hiện hơn 27,3 triệu xét nghiệm và hiện khoảng 185.000 xét nghiệm/ngày.

Viện Robert Koch (RKI) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, bày tỏ lo ngại về số ca nhiễm gia tăng. Chỉ trong 7 ngày qua, Đức ghi nhận thêm trung bình 557 ca nhiễm mới/ngày, tăng so với 350 ca/ngày vào đầu tháng 6. Cho đến nay, Đức xác nhận 206.242 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 9.122 ca tử vong. Trong ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Đức cập nhật khuyến cáo về du lịch, trong đó đề nghị công dân nước này không đi du lịch tới 3 vùng ở miền Bắc Tây Ban Nha vốn đang chật vật đối phó với dịch bệnh bùng phát trở lại. 

Để phòng dịch bệnh lây lan, chính quyền khu vực thủ đô Madrid của Tây Ban Nha thông báo sẽ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang toàn bộ thời gian trong ngày trong gói các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19. Gói biện pháp phòng ngừa này còn bao gồm quy định các quán rượu đóng cửa trước 1h sáng, các nhà hàng có không gian ngoài trời hạn chế số lượng khách có mặt đồng thời trong quán dưới 10 người, cấm các buổi tụ tập riêng từ 10 người trở lên. Ngoài ra, chính quyền Madrid cũng sẽ tăng cường kiểm tra y tế tại sân bay. Chính phủ Hy Lạp cũng thông báo từ ngày 29/7 sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại các không gian công cộng kín.  

Tại châu Á, Trung Quốc ngày 28/7 thông báo đã ghi nhận thêm 68 ca mới trong ngày 27/7, gồm 4 ca "ngoại nhập" và 64 ca lây nhiễm cộng đồng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca mới tăng cao. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, 57/64 ca lây nhiễm cộng đồng đã được xác nhận tại Khu tự trị Tân Cương, 6 ca ở tỉnh Liêu Ninh và 1 ca ở thủ đô Bắc Kinh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc xác nhận tổng cộng 83.959 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong. Do ổ dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố cảng Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh đã lan ra nhiều tỉnh khác, chính quyền địa phương phải áp đặt trở lại các hạn chế.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 27/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh các ca "ngoại nhập" ở Hàn Quốc tăng đột biến, chính phủ nước này đã quyết định thúc đẩy sửa đổi luật, theo đó yêu cầu các bệnh nhân COVID-19 người nước ngoài tự trang trải chi phí điều trị. Cùng ngày 28/7, Hàn Quốc ghi nhận thêm 28 ca mới, trong đó có 23 ca "ngoại nhập", nâng tổng số ca tại nước này lên 14.203 ca. Số ca tử vong tại đây tăng thêm 1 ca lên 300 ca.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Indonesia. Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy trong ngày 28/7, nước này phát hiện thêm 1.748 ca mới, nâng tổng số lên 102.051 ca, trong khi số ca tử vong tăng 63 ca lên 4.901 ca. Số ca mắc trong ngày ở  quốc gia Đông Nam Á này hiện ở mức trên 1.500 ca. Trong khi đó, các khu vực có rủi ro lây nhiễm cao ngày càng gia tăng, tăng lên 53 khu vực tuần này so với 35 khu vực trong tuần trước đó. Tổng thống Joko Widodo cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này. 

Tại châu Phi, số ca nhiễm đang tiến tới mức 1 triệu ca, trong khi giới chuyên gia cảnh báo tình hình dịch bệnh sắp tới sẽ tồi tệ hơn tại châu lục vốn đang chật vật vì hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực kinh tế hạn hẹp. Theo hãng tin AFP (Pháp), tính đến ngày 28/7, các quốc gia châu Phi ghi nhận tổng cộng trên 850.000 ca nhiễm và ít nhất 18.000 ca tử vong.

Chuyên gia Mary Stephens tại Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi cảnh báo châu Phi chưa đạt đến đỉnh dịch, đồng thời lưu ý "tất cả các nước tại đây đang gặp rủi ro bởi hệ thống y tế khá yếu kém".

Tại Trung Đông, Bộ Y tế Iran thông báo đã ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay với 235 ca không qua khỏi. Theo đó, tổng số ca tử vong tại quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất Trung Đông này tăng lên 16.147 ca trong số 296.273 ca nhiễm. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran lưu ý tình hình dịch đáng lo ngại khi số ca nhập viện mỗi ngày đang tiến tới mốc ghi nhận vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 3 vừa qua. Tỉnh Tehran đã được đưa vào danh sách 15 trong số 31 tỉnh tại Iran cảnh báo “đỏ” về dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên tỉnh đông dân nhất Iran này bị đưa vào danh sách trên kể từ đỉnh dịch đầu tiên. Màu đỏ là mức cao nhất trong thang cảnh báo dịch COVID-19 tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp chữa trị, vaccine mRNA-1273 tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2 do hãng dược phẩm Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ phát triển đã bắt đầu bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm, trở thành loại vaccine đầu tiên của Mỹ đến bước thử nghiệm này.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Giới khoa học khẳng định hiệu quả chống COVID-19 của khẩu trang
Giới khoa học khẳng định hiệu quả chống COVID-19 của khẩu trang

Các nhà khoa học thuộc Đại học New South Wales (Australia) khẳng định khẩu trang là công cụ hiệu quả nhất ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN