Thành phố đông dân nhất châu Phi có nguy cơ bị nhấn chìm

Xe hơi và nhà cửa chìm trong nước. Người đi làm lội qua vùng nước sâu ngập đầu và chủ nhà ngao ngán tính thiệt hại do mưa lũ. Đó là những gì xảy ra trong mùa mưa ở Lagos, thành phố lớn nhất Nigeria.

Chú thích ảnh
Người dân lội qua con đường ngập nước ở Aboru, Lagos, sau trận mưa lớn vào ngày 6/7/2020. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN (Mỹ), người dân Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã quen với những trận lũ lụt nhấn chìm thành phố ven biển từ khoảng tháng 3 đến tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên, vào giữa tháng 7 năm nay, khu thương mại sầm uất trên đảo Lagos đã phải trải qua một trong những trận lũ lụt tồi tệ nhất những năm gần đây.

"Nó rất tồi tệ và bất thường. Tôi lái xe ra khỏi nhà mà không nhận ra trời đã mưa rất lớn. Trên đường đi, giao thông tê liệt vì lũ. Càng đi, mực nước càng dâng cao. Nước dâng cao đến mức cản trước xe rồi tràn vào bên trong xe của tôi", anh Eselebor Oseluonamhen, 32 tuổi,người điều hành một công ty truyền thông ở Lagos, kể lại.

Những hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng chục phương tiện chìm trong biển nước sau trận mưa xối xả. Lũ lụt đã làm tê liệt hoạt động kinh tế, với chi phí thiệt hại ước tính khoảng 4 tỉ USD mỗi năm.

Các dự báo khoa học dự báo Lagos - nơi sinh sống của 24 triệu dân, thành phố trũng nằm trên bờ biển Đại Tây Dương của Nigeria - có khả năng sẽ không thể tồn tại vào cuối thế kỷ này khi mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu.

Theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển dẫn đầu, vấn đề này đang trở nên trầm trọng hơn do " hệ thống thoát nước yếu kém, không được bảo trì đầy đủ và quá trình phát triển đô thị mất kiểm soát". Cơ quan Thủy văn Nigeria (NIHSA) dự báo lũ lụt sẽ diễn ra thảm khốc hơn vào tháng 9, giai đoạn cao điểm của mùa mưa.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp từ trên không của Đảo Lagos ở Lagos, thủ đô thương mại của Nigeria hồi năm 2016. Ảnh: CNN

Xói mòn bờ biển 

Lagos được hình thành một phần trên đất liền và gồm một chuỗi các đảo. Thành phố này đang vật lộn với tình trạng xói mòn đường bờ biển khiến thành phố dễ bị ngập lụt. Nhà môi trường Nigeria Seyifunmi Adebote nhận định nguyên nhân là do hiện tượng nóng lên toàn cầu và "hành động do con người trong thời gian dài."

Các chuyên gia môi trường cho biết hoạt động khai thác cát xây dựng là nguyên nhân chính gây ra xói mòn bờ biển ở Lagos. Ông Manzo Ezekiel, phát ngôn viên Cơ quan Quản lý khẩn cấp Nigeria (NEMA), cho biết bờ biển Đảo Victoria của Lagos đã bị "cuốn trôi, đặc biệt ở khu VI của Lagos, nước biển dâng cao và ngày càng lấn sâu vào đất liền".

Tại Đảo Victoria, khu dân cư giàu có ở Lagos, một thành phố ven biển mới được đặt tên là Eko Atlantic đang được xây dựng trên đất khai hoang từ Đại Tây Dương và sẽ được bảo vệ bởi một con đê bê tông dài 8 km.

Chú thích ảnh
Con tàu chở hàng đường thủy đi qua công trường thành phố Eko Atlantic hồi tháng 2/2016. Ảnh: CNN

Dự án đầy tham vọng này có thể góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu nhà ở tại các khu vực khác của thành phố, song ông Ezekiel lo ngại hoạt động lấn biển sẽ gây áp lực lên các khu vực duyên hải khác. Các nhà phê bình cũng lập luận khu vực lân cận không có đê bảo vệ sẽ dễ dàng bị nhấn chìm khi nước biển dâng.

Nguy cơ bị nhấn chìm

Kết quả nghiên cứu do nhóm Climate Central cho biết các thành phố ven biển trũng ở một số nơi trên thế giới có thể bị nhấn chìm vĩnh viễn vào năm 2100. Theo đó, các khu vực bị ảnh hưởng có thể chìm xuống dưới đường triều cường nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao.

“Do hoạt động xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính của con người, mực nước biển dâng cao trong 3 thập kỷ tới có thể gây lũ lụt thường xuyên với vùng đất hiện là nơi sinh sống của 300 triệu người”, nghiên cứu cho biết. “Đến năm 2100, các khu vực hiện là nơi sinh sống của 200 triệu người có thể vĩnh viễn nằm dưới mực triều cường”.

Mực nước biển toàn cầu được dự đoán sẽ tăng hơn 2 mét vào cuối thế kỷ này. Điều này khiến Lagos, nơi mà các chuyên gia cho rằng ở độ cao chưa đầy 2 mét so với mực nước biển, trong tình trạng bấp bênh, do một đoạn bờ biển của Nigeria là vùng trũng. Trong một nghiên cứu hồi năm 2012 của Đại học Plymouth tại Vương quốc Anh, các nhà khoa học phát hiện ra rằng mực nước biển dâng khoảng 1- 3 mét sẽ có tác động thảm khốc đối với các hoạt động của con người ở môi trường ven biển Nigeria.

Lũ lụt thảm khốc

Lũ lụt lâu năm ở các khu vực ven biển Nigeria đã khiến nhiều người thiệt mạng và nhiều cư dân phải di dời. Theo dữ liệu của NEMA , đã có trên 2 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt năm 2020 và ít nhất 69 người chết trong thảm họa lũ lụt năm ngoái. Năm 2019, hơn 200.000 người bị ảnh hưởng và 158 người thiệt mạng.

"Mỗi năm chúng tôi đều chứng kiến lũ lụt ở Nigeria. Đó là vấn đề do biến đổi khí hậu và chúng tôi đang phải sống chung với nó", Ezekiel nói.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông ở Lagos lội qua con đường ngập nước sau trận mưa lớn năm 2012. Ảnh: CNN

Ngoài biến đổi khí hậu, hệ thống thoát nước kém và tắc nghẽn trong thành phố cũng được cho đã khiến tình trạng ngập lụt gia tăng.

Một người dùng Twitter đã bình luận khi xem video về trận lũ lụt gần đây ở Lagos: "Biến đổi khí hậu góp phần không nhỏ khiến mực nước biển dâng cao, nhưng những gì bạn có thể thấy trong video này chủ yếu là vấn đề hệ thống thoát nước".

Ngoài ra, khi lũ lụt hoành hành ở một số khu vực, các khu dân cư thu nhập thấp, sinh sống trên các vùng đất trũng, cũng có nguy cơ bị ngập úng.

Giải pháp "thành phố nổi"giữa ngập lụt

Chú thích ảnh
Ảnh vệ tinh thành phố Lagos.

Nhà môi trường Adebote cho rằng để Lagos có thể trở thành "thành phố nổi" khi đối mặt với lũ lụt và mực nước biển dâng cao, nó phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Giới chức cần quy hoạch lại cơ sở hạ tầng trong khu vực, bao gồm hệ thống thoát nước, cơ sở quản lý chất thải, cấu trúc nhà ở.

“Những cơ sở hạ tầng này có khả năng chống chịu và thích ứng như thế nào trước áp lực môi trường và khi đặt cạnh yếu tố dân số ngày càng tăng của chúng ta?", ông nói.

Giới chức Lagos đã bắt đầu khai thông các kênh dẫn nước để giảm thiểu lũ lụt. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các đồng minh toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Nền kinh tế Nigeria gặp khó khăn trong những năm gần đây, khiến nguồn ngân sách đầu tư cho biến đổi khí hậu và các lĩnh vực quan trọng khác đều bị cắt giảm. Dù vậy, giới chức vẫn cam kết tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước.

Tháng trước, Bộ Môi trường Nigeria cho biết Tổng thống phê duyệt chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm giải quyết hầu hết những thách thức và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Hải Vân/Báo Tin tức
Thách thức của Trung Quốc trước làn sóng COVID-19 mới
Thách thức của Trung Quốc trước làn sóng COVID-19 mới

Tính đến ngày 1/8, ít nhất 18 tỉnh ở Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về làn sóng bùng phát dịch COVID-19 mới, sau khi phát hiện trên 300 ca bệnh trong nước chỉ trong 10 ngày qua. Điều này đặt ra thách thức lớn cho nước này trong việc đưa ra các biện pháp đối phó với đợt dịch tồi tệ nhất trong nhiều tháng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN