Theo đài Sputnik, các đợt thử nghiệm được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2019 dưới sự ủng hộ của chính quyền địa phương thủ đô Reykjavik và chính phủ Iceland. Thử nghiệm có trên 2.500 công nhân viên chức tham gia, chiếm khoảng 1% lực lượng lao động của quốc gia này. Người tham gia đã được cắt giảm giờ làm từ 40 tiếng xuống còn 35-36 tiếng/tuần mà vẫn được hưởng mức lương cũ.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy bước đầu mô hình này đã đem lại thành công đáng kể. Năng suất làm việc và chất lượng dịch vụ tại các cơ sở làm việc thí điểm vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí có phần cải thiện so với những nơi làm 40 tiếng/tuần.
Người lao động làm việc 4 ngày/tuần bày tỏ họ cảm thấy ít áp lực và kiệt sức hơn, cũng như sức khỏe tốt hơn khi có thể cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sau khi thí điểm, có tới 86% nguồn nhân lực Iceland bắt đầu làm việc ít giờ hơn hay được hưởng quyền lợi đó sau khi thương lượng với chủ lao động.
Sáng kiến cắt giảm thời gian làm việc để cải thiện sức khỏe của người lao động đang được thử nghiệm rộng rãi trên toàn cầu. Tại Tây Ban Nha, kết hợp với các biện pháp giãn cách trong mùa dịch COVID-19, một số công ty đã áp dụng thí điểm mô hình làm việc 4 ngày một tuần. Tập đoàn đa quốc gia Unilever cũng tiến hành thử nghiệm ở New Zealand, khi nhân viên có cơ hội giảm 1/5 số giờ làm việc mà không bị trừ lương. Sáng kiến làm việc 6h/ngày hoặc 4 ngày/tuần cũng được triển khai tại Phần Lan.