Đoạn đường bộ từ thủ đô Moskva đến Myshkin – dịch ra theo tiếng Nga là thành phố “Chuột” chỉ khoảng 260km, song do trời tuyết, đường đóng băng trơn nên phải tới tận tối mịt nhóm phóng viên chúng tôi mới tới được khánh sạn “Nhà của Mèo” ở thành phố nhỏ bé với chỉ 3 quảng trường, 32 con phố này. Với dân số chỉ gần 5.800 người, Myshkin được xem là một trong những thị trấn nhỏ bé nhất nằm bên bờ sông Volga thơ mộng tuy nhiên niềm tự hào người dân dành cho thành phố du lịch này không hề ít.
Chị Svetlana (Sveta), hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đi thăm thành phố cho biết hàng năm thành phố này đón khoảng 250.000 lượt du khách. Con số này khiêm tốn song nếu tính chỉ số du khách trên đầu người thì nó gấp khoảng 6 lần so với thành phố Paris hoa lệ của nước Pháp. Theo chị Sveta, trong hôm nhóm phóng viên chúng tôi đến tác nghiệp có 12 xe du khách đến với Myshkin, rất nhiều đoàn trong đó đến từ những thành phố lớn như Moskva hay St. Petersburg, và với ngần ấy xe họ đã đủ tất bật.
Thị trấn du lịch này coi chuột như lá bùa hộ mệnh, chuột hiện diện cả trên cờ của thành phố và điều này bắt nguồn từ một truyền thuyết chuột cứu người. Tuy nhiên theo chị Sveta, trước kia ngôi làng hình thành lên thành phố phát âm là “Mứt-sơ” song chữ cái cuối là C, tiếng Nga nghĩa là mỏm đất nhô ra bên sông, chứ không phải là chữ cái cuối Ш trong từ chuột (мышь) đồng âm. Tuy nhiên sau truyền thuyết mọi người hầu như chỉ biết đến thành phố với cái tên Myshkin (thành phố Chuột). Truyền thuyết kể lại rằng ngày xửa ngày xưa, quận vương Fedor Mstislavsky trong một lần đi săn đã ngả lưng nằm nghỉ bên bờ sông Volga. Khi đangsay giấc nồng thì một chúchuột chạy qua mặt làm ông thức dậy. Tỉnh thức, ông định bụng sẽ trút giận lên chú chuột xong khi nhìn xuống dưới chân, ông thấy một con rắn độc đang trườn về phía mình. Ông liền dùng gươm chém chết rắn và để trả ơn chú chuột đã cứu mạng mình, ông cho xây dựng một nhà thờ ngay tại địa điểm nay là thành phố. Kể từ đó thị trấn hình thành với tên gọi Myshkin.
Chuyến đi lạc vào thế giới chuột kỳ thú ở Myshkin của chúng tôi bắt đầu từ một đầu của thành phố, nơi có một cô chuột “thương gia” bằng đồng tầm thước như người nhật đứng giữa phố để du khách chụp ảnh. Ngay bên cạnh đó là trung tâm giới thiệu các sản phẩm thủ công. Ở đây du khách có thể xem và tìm hiểu về cách người Nga trước đây rèn các công cụ thép và làm đồ gốm. Sản phẩm đều được các nghệ nhận trực tiếp chế tác theo phương pháp truyền thống trước đây. Bước vào khu chế tác thủ công bạn sẽ bắt gặp chiếc “máy” thu tiền chụp ảnh, ở đó cứ mỗi khi đặt xu vào rồi ấn nút, một chú chuột gỗ sẽ “chạy ra” nhận lấy đồng xu. Tại khu rèn sản phẩm bằng thép, bạn có thể mua nhiều dụng cụ, công cụ thủ công có trang trí hình hay biểu tượng chuột. Chị Sveta cho biết ở Myshkin, chuột từ lâu đã được xem là biểu tượng giàu có. Thành ngữ Nga cũng có câu “Ông chủ tồi thì chuột trong kho cũng đi nốt” (у плохого хозяина в амбаре все мыши перевелить). Ở thành phố này bạn có thể mua rất nhiều đồ lưu niệm chuột khác nhau. Chị Sveta chỉ cho chúng tôi món đồ lưu niệm rẻ nhất - chú chuột bỏ ví (кошельковая мышь) nhỏ xíu giá chỉ vài chục ruble là tượng trưng cho sự giàu có và may mắn sẽ đến với chiếc ví của bạn.
Trong khu giới thiệu sản phẩm chế tác thủ công, ngoài phòng giới thiệu và bán sản phầm rèn thủ công còn có phòng giới thiệu và bán sản phẩm gốm sứ thủ công. Ở đây khách tham quan có thể xem trực tiếp nghệ nhân nặn các vật bằng gốm sứ trên máy quay. Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân nặn gốm sứ Yulia Lebedeva sinh ra tại một làng gần Myshkin và đã sống 9 năm ở thành phố này cho biết: “Tôi yêu và thích thành phố này vì nó êm ả, yên bình, và nằm dọc sông Volga. Êm ả, yên bình, đó là thứ chúng ta cần trong cuộc sống”. Đề cập đến công việc nặn gốm sứ của mình, chị Yulia cho rằng nghề này cần có tâm hồn. “Nếu không đặt tâm hồn vào công việc sẽ chẳng thu được gì. Và cũng không thu được điều mà mình muốn. Nghề này chỉ cần làm bằng tâm hồn và tình yêu”. Chị thành thật cho biết sau khi hoàn thành sản phẩm, chị luôn thấy những khiếm khuyết mà chẳng ai có thể thấy vì chẳng sản phẩm thủ công nào mà bạn cảm thấy hài lòng 100% “bởi đó chính là sản phẩm thủ công bạn làm ra”.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Sergei Terkin, Giám đốc “Trung tâm thủ công thành phố Chuột”, tổ chức đã lập ra cơ sở giới thiệu và chế tác đồ thủ công này cho biết: “Chuột là biểu tượng của Myshkin và bảo tàng chuột ở đây cũng là duy nhất nên thành phố thu hút du khách. Thành phố cũng nhỏ và dễ chịu nên người sống ở các thành phố lớn thường tới đây tham quan”. Biết chúng tôi là phóng viên Việt Nam, nhân dịp năm mới anh cũng chúc các bạn Việt Nam sức khỏe, “thứ không thể mua được. Hạnh phúc tràn đầy trong gia đình và hãy giữ lấy những con chuột may mắn của mình. Nhà nào có chuột đều an toàn và có gì đó để ăn”, anh nói.
Rời trung tâm chế tác và giới thiệu đồ thủ công, chúng tôi đến với cối xay gió chuột. Cối xay gió giống như một xã hội thu nhỏ xong với các hình tượng chuột minh họa thay cho người, từ chuột thu ngân, chuột phụ nữ bàn phiếm, chuột ăn xin và ấn tượng nhất là các chú chuột giã và xay bột do người đóng giả. Khi du khách tập trung lại gần, họ bất ngờ giã và xay, làm du khách thích thú.
Cạnh cối xay gió chuột là Bảo tàng “ủng Valenki” của Nga. Valenki là loại ủng hoàn toàn làm bằng lông cừu giúp người sử dụng hoạt động trong tiết trời giá lạnh tới -30 độ hoặc không bị bỏng khi cháy. Myshkin trước kia cũng là một trong những thành phố sản xuất ra loại ủng ấm đi mùa đông này và tới đây tôi mới biết rằng chính ủng Valenki đã giúp các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô giữ ấmchân, góp phần làm nên chiến thắng trước phát xít Đức trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Ở Bảo tàng Valenki, du khách có thể mua những đôi Valenki xinh xắn nhiều kiểu cách hay trang trí kiểu chuột, đồng thời tìm hiểu lịch sử đôi giày ở nước Nga cũng như những cách điệu, tưởng tượng về vai trò của Valenki trong cuộc sống.
Tiếp đó, bạn sẽ được đến thăm Cung điện Chuột. Du khách sẽ phải đoán “câu thần chú” để có thể mở cửa vào thăm cung điện chuột. Tại đây, du khách sẽ được “tiếp kiến” Vua và Hoàng hậu chuột, được xem một show diễn nhỏ và nhảy với vua, hoàng hậu chuột. Sau đó, du khách được dẫn sang Trung tâm điều hành chuột toàn thế giới, nghe giới thiệu những vai trò quan trọng của chuột, ví dụ như chuột là sinh vật đầu tiên bay lên vũ trụ, chuột tham gia các thử nghiệm y dược, góp phần tạo ra thuốc chữa bệnh cho nhân loại… ngoài ra, du khách cũng có thể gọi điện để liên hệ với chuột ở các khu vực khác trên thế giới. Tôi may mắn nhấc đúng máy đàm thoại với chuột ở Việt Nam. Tại đây tôi được nghe một giọng tiếng Nga rằng “bạn đang liên lạc với chuột sống tại Việt Nam”…
Thành phố chuột tuy nhỏ bé, song có rất nhiều thứ về chuột để bạn tìm tòi và khám phá. Một điểm thú vị khác của thành phố là phong cảnh quyến rũ với những tòa nhà một tầng làm bằng gỗ kiểu vùng quê nước Nga hoặc nhà thấp tầng. Trao đổi với chị Sveta, tôi được biết thành phố không sử dụng xe công cộng, đồng thời nhà ga xe lửa cũng ở cách xa thành phố để bảo vệ môi trường. Các nhà cao 5 tầng được xây cách thành phố ít nhất 1km để bảo vệ cảnh quan. Chính nhờ những yếu tố này mà nhiều du khách đến với Myshkin để thưởng ngoạn sự thanh bình, êm ả, sự “cũ kĩ” nơi đây.
Ấn tượng cuối cùng về Myshkin đó là Bảo tàng Chuột trong khu bảo tàng tư nhân rộng lớn của bà Giám đốc Lyubov Grechukhina. Ở Myshkin có tới 11 bảo tàng khác nhau mà đặc biệt là quần thể bảo tàng của bà Lyuba (Lyubov). Đích thân đưa chúng tôi đi tham quan toàn bộ khu bảo tàng này, bà Lyuba cho biết quần thể này do bố bà, khi còn tham gia đội thiếu niên, lập ra. Họ sưu tầm tất cả các hiện vật cổ và có giá trị, những ngôi nhà gỗ nằm dọc bờ sông Volga rồi từ đó qui tập về và lập ra các bảo tàng như Bảo tàng phương tiện kỹ thuật, Bảo tàng ông tổ thương hiệu rượu vodka Sminov danh tiếng, Bảo tàng in ấn, Bảo tàng dân gian Myshkin, Bảo tàng Thương gia, Bảo tàng Thủ công sống… Đáng chú ý nhất trong số này là Bảo tàng Chuột có một không hai trên thế giới. Giám đốc Lyuba cho biết: “Một phóng viên ở Moskva, anh Illya Medovoi, 30 năm trước đến thành phố và gợi ý lập ra Bảo tàng Chuột. Các hiện vật về chuột này do người dân và du khách từ 38 nước trên thế giới tặng cho bảo tàng. Và các hiện vậy này thể hiện những chủ đề về truyền thuyết, chuyện cười, những câu chuyện về quan niệm của họ đối với chuột. Ví dụ người Đức ngưỡng mộ chuột, người phụ nữ yêu quí của họ được gọi là ‘em chuột của anh’. Còn những người giàu có cho biết chuột của họ đều béo. Mỗi nước đều nói về chuột của họ ở đó”. Bà Lyuba cũng bày tỏ mong muốn một ngày nào đó tại Bảo tàng sẽ xuất hiện những chú chuột cầm cờ Việt Nam như sự hiện diện của một Đại sứ Chuột tại vương quốc Chuột ở nước Nga.
Tam biệt Myshkin tôi cảm thấy chuyến đi thật bổ ích. Nó thú vị ở chỗ một thành phố nhỏ bé, với biểu tượng Chuột – con giáp có lẽ là bé nhất trong 12 con giáp nhưng đã “sống khỏe” nhờ những ý tưởng nhân văn của mình. Đó là thông qua lịch sử để làm dịch vụ không khói, đó là gìn giữ để thành phố luôn yên bình, có môi trường trong sạch, hay qui tụ các hiện vật cổ để giới thiệu chúng với các thế hệ mai sau.