Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngân sách liên bang đã phải chi tăng rất nhiều để chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế trong khi nguồn thu giảm mạnh vì tình trạng đóng cửa nền kinh tế và thất nghiệp diện rộng. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Mỹ trong năm tài khóa 2020 đã lên tới 16,1%, con số lớn nhất kể từ năm 1945 – thời kỳ mà nước Mỹ phải chi nhiều khoản khổng lồ cho các hoạt động quân sự nhằm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II.
Tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng này khiến phe Cộng hòa trong Thượng viện tỏ ra quan ngại, dẫn tới phản đối đề xuất của Nhà Trắng muốn chi 1,88 nghìn tỷ USD cho nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế và Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng phục hồi tăng trưởng kinh tế phải là ưu tiên hàng đầu, sau đó mới cần lo tới vấn đề thâm hụt ngân sách.
Chuyên gia William Hoagland thuộc Trung tâm Chính sách lưỡng đảng phát biểu với tờ Wall Street Journal ngày 16/10 rằng khi xảy ra những việc mà trước đây chưa từng xảy ra thì đương nhiên cũng dẫn tới mức thâm hụt ngân sách cao chưa từng có, và số liệu đó đã thể hiện đúng tình hình nước Mỹ phải vật lộn với đại dịch và nền kinh tế tê liệt suốt 6 tháng qua. Tuy nhiên, giới đầu tư không có vẻ quan tâm lắm đến tình trạng thâm hụt ngân sách này. Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn ở mức khá ổn định vào ngày 16/10 sau công bố của FED.
Ngân sách liên bang Mỹ thu được 3,4 nghìn tỷ USD, giảm 1% so với năm trước và con số giảm chủ yếu xảy ra từ tháng Ba sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Chi ngân sách liên bang tăng 47% tới mức kỷ lục là 6,5 nghìn tỷ USD do chính quyền Mỹ phải chi các gói cứu trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ, đền bù thất nghiệp cho người lao động và trợ cấp cho các gia đình Mỹ trong thời điểm khó khăn vì đại dịch.
Nợ liên bang năm 2020 đã tăng 25% lên tới 21 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng Chín (cuối năm tài khóa), so với mức 16,8 nghìn tỷ USD ở thời điểm bắt đầu năm tài khóa 2020.
Số liệu nghiên cứu cho thấy việc phải chi những khoản cứu trợ lớn chưa từng thấy, ví dụ như gói cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD hồi tháng Ba đã giúp các doanh nghiệp và các gia đình Mỹ trụ vững qua những tháng đầu tiên khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, tăng thu nhập và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên với hơn 10 triệu người hiện nay vẫn chưa thể quay lại làm việc, có nhiều dấu hiệu cho thấy động lực phục hồi kinh tế đang chậm lại bởi các chương trình hỗ trợ của chính quyền liên bang bắt đầu hết hạn.
Các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sach, kể cả Chủ tịch FED Jerome Powell đều cảnh báo rằng tăng trưởng có thể tiếp tục giảm tốc trừ khi Quốc hội thông qua thêm các gói cứu trợ bổ sung.
Trong nửa đầu năm tài khóa 2020, thu ngân sách liên bang có tăng, cho thấy nền kinh tế vững mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp khiến nguồn thu từ thuế cá nhân và doanh nghiêp tăng. Tuy nhiên từ tháng Tư đến tháng Mười, nguồn thu giảm hẳn do đại dịch xảy ra, các doanh nghiệp phải đóng cửa và hơn 20 triệu người Mỹ mất việc làm.