Trong báo cáo ngân sách hằng tháng, được CBO công bố ngày 10/10, con số này cao hơn 300 tỷ USD so với mức thâm hụt của năm tài chính 2022. CBO nêu rõ nguyên nhân khiến thâm hụt ngân sách của Mỹ "phình to" là do doanh thu giảm và chi tiêu tăng, "chủ yếu cho các chương trình trọng điểm và trả lãi các khoản nợ công". Cụ thể, trong tài khóa 2023, chi tiêu bắt buộc cho các chương trình có quy mô lớn nhất của Mỹ, trong đó có an sinh xã hội, Medicare và Medicaid, đã tăng tới 285 tỷ USD, tương đương 11%. Trong khi đó, các khoản chi trả lãi ròng của nợ công tăng thêm 177 tỷ USD, tương đương 33%, do lãi suất tăng đáng kể so với tài khóa 2022. Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên tới hơn 4,7% - mức kỷ lục kể từ năm 2007.
Trong một tuyên bố, bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban về Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB - một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận), nhấn mạnh thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đang trên đà tăng trở lại. Theo bà, khi kinh tế đang tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp kỷ lục, lẽ ra đây là thời điểm giảm thâm hụt ngân sách nhằm giúp Chính phủ Mỹ ứng phó tốt hơn nguy cơ suy thoái kinh tế hoặc các cuộc khủng hoảng bên ngoài trong tương lai. Bà MacGuineas nêu rõ trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và lãi suất cũng tiếp tục tăng, các quỹ tín thác lớn có thể cạn kiệt nguồn vốn trong một thập niên tới và các mối đe dọa mới về an ninh đang nổi lên.