Báo cáo của PBO dựa trên dữ liệu kinh tế và thông báo chi tiêu mới nhất, bao gồm cả kế hoạch trị giá 4,6 tỷ CAD (3,34 tỷ USD) được công bố gần đây của chính phủ, nhằm trợ giúp những người Canada có thu nhập thấp đối phó với chi phí sinh hoạt cao hơn.
Nếu chính phủ không công bố thêm các khoản chi tiêu mới, số liệu của PBO cho thấy Canada có thể gần đạt cân bằng ngân sách trong vòng 4 năm tới, với thâm hụt ở mức 3,4 tỷ CAD trong tài khóa 2026 - 2027 và 3,1 tỷ CAD trong tài khóa 2027 - 2028.
Tỷ lệ nợ liên bang/GDP cũng được dự báo sẽ giảm trong vài năm tới - từ 45,8% năm ngoái xuống 36,2% vào tài khóa 2027 - 2028 - nhưng con số này vẫn sẽ cao hơn mức trước đại dịch là 31,2%.
Trong khi lạm phát cao hơn và nền kinh tế tương đối mạnh đã thúc đẩy nguồn thu thuế liên bang, lãi suất tăng cũng khiến Canada phải chi tiêu nhiều hơn để trả lãi cho gánh nặng nợ nần chồng chất trong đại dịch.
Một cuộc khảo sát các nhà kinh tế độc lập do Consensus Economics thực hiện cho thấy, quy mô thâm hụt trong tài khóa 2022 - 2023 trung bình ở mức 42,1 tỷ CAD.
Chính phủ liên bang hiện vẫn chưa công bố con số thâm hụt cuối cùng cho tài khóa 2021 - 2022 (kết thúc vào ngày 31/3/2022). Ngân sách hồi tháng 4/2022 ước tính mức thâm hụt là 113,8 tỷ CAD, nhưng cả báo cáo của PBO và Desjardins đều cho rằng con số cuối cùng có thể vào khoảng 97 tỷ CAD.
Các dự báo trung hạn nhận định rằng cân bằng ngân sách có thể sớm trở thành chủ đề "nóng" trên chính trường Canada. Cuộc bầu cử liên bang tiếp theo dự kiến diễn ra vào năm 2025 và một trong những ưu tiên của tân lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre là giảm chi tiêu liên bang.
Đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 với cam kết cân bằng ngân sách trong giai đoạn 2019 - 2020. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến quy mô thâm hụt tăng đột biến do hoạt động kinh tế gần như ngừng trệ và chính phủ tăng mạnh chi tiêu để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp.