Trong một tuyên bố đầu tiên kể từ sau vụ sập cầu Morandi, Autostrade per l'Italia nhấn mạnh tiến trình bảo trì cây cầu dựa trên những kết quả của các lần kiểm tra và đã được Bộ Giao thông Italy thông qua.
Tuyên bố khẳng định các kỹ thuật viên của Autostrade per l'Italia đã tin tưởng vào sự giám sát và đánh giá công trình xây dựng cầu cạn của các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Theo nhà thầu thuộc tập đoàn Atlantia này, không có vấn đề nào phát sinh trước xảy ra vụ việc trên.
Trong khi đó, mọi chỉ trích đang chĩa vào Autostrade per l'Italia. Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cùng ngày nhận định thảm họa trên có thể lường trước được nếu Autostrade per l'Italia đảm bảo quy trình bảo trì, song nhà thầu này đã không thực hiện điều đó.
Trước đó, Chính phủ Italy cho biết muốn hủy hợp đồng với công ty quản lý đường cao tốc và áp đặt mức phạt lớn lên tới 150 triệu euro (tương đương 170 triệu USD) đối với công ty này. Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli nhấn mạnh nhà thầu quản lý cầu Morandi sẽ phải đóng góp chi phí cho việc xây dựng lại cây cầu. Dự kiến, ông Di Maio và ông Toninelli sẽ tới Genoa trong ngày để thị sát tình hình.
Vụ sập cầu Morandi xảy ra vào trưa 14/8 khi một đoạn cầu dài khoảng 200 mét nằm trên tuyến đường cao tốc A10 đã bị sập và từ độ cao khoảng 100 mét rơi đè xuống một đoạn đường ray tàu hỏa, một nhà máy và nhiều ngôi nhà khác phía dưới.
Trong khoảnh khắc được mô tả như "ngày tận thế", nhiều ô tô đang lưu thông trên cầu đã bị rơi theo đoạn cầu sập và bị vùi trong đống đổ nát cùng các nạn nhân mắc kẹt bên trong. Theo cảnh sát thành phố Genoa, có khoảng 35 ô tô và một số xe tải bị ảnh hưởng trong vụ sập cầu này.
Khoảng 400 lính cứu hỏa đã được huy động tới hiện trường để hỗ trợ cứu hộ. Tính tới ngày 15/8, con số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 38 người, số người bị thương là 16 người, trong số này 12 người đang trong tình trạng nguy kịch. Bộ Ngoại giao Pháp cùng ngày xác nhận có 3 công dân nước này đã thiệt mạng trong vụ sập cầu trên.