Loại thị thực đặc biệt nói trên được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp trọng điểm và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Văn phòng Chính phủ Thái Lan cho biết thị thực đặc biệt này do Văn phòng chính sách EEC đề xuất. Thị thực đặc biệt được chia làm 4 loại dành cho 4 nhóm đối tượng gồm: Chuyên gia; giám đốc điều hành; chuyên viên; và vợ/chồng và người phụ thuộc của 3 nhóm đối tượng trên. Người sở hữu thị thực này được phép xuất nhập cảnh nhiều lần nhưng không vượt quá thời hạn của hợp đồng lao động, được sử dụng làn ưu tiên tại sân bay quốc tế trên toàn Thái Lan. Ngoài ra, các chuyên gia, chuyên viên cư trú và làm việc tại EEC có thể được hưởng mức thuế thu nhập cá nhân đặc biệt là 17%, thấp hơn mức thuế luỹ tiến hiện nay Thái Lan đang áp dụng ở mức cao nhất là 35%.
Trong một bài đăng trên trang xã hội X, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nhấn mạnh việc thông qua thị thực EEC 10 năm sẽ mở ra nhiều cánh cửa nữa cho đội ngũ nhân tài mà Thái Lan rất mong muốn chào đón từ khắp nơi trên thế giới. Ông cũng khẳng định chính phủ nước này đang thực hiện những biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và chất lượng cuộc sống một cách rõ ràng và cụ thể.
EEC nằm ở 3 tỉnh miền Đông Thái Lan gồm Rayong, Chonburi và Chachoengsao. Theo kế hoạch phát triển EEC giai đoạn 2023 - 2027, Thái Lan đặt mục tiêu thu hút tổng vốn đầu tư trung bình mỗi năm khoảng 2,8 tỷ USD và đưa khu vực này trở thành trung tâm công nghệ, chế tạo, dịch vụ và được kết nối với các nước láng giềng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các lĩnh vực trọng tâm thu hút đầu tư vào khu vực này gồm dịch vụ y tế, kỹ thuật số, xe điện, công nghệ sinh học, nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.