Thái Lan sửa đổi Luật về bệnh truyền nhiễm  

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Nội các Thái Lan đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật về bệnh truyền nhiễm năm 2015, để lấy làm cơ chế mới thay thế sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19 của quốc gia Đông Nam Á này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại tỉnh Samutprakran, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Tình trạng khẩn cấp, được ban bố theo sắc lệnh nói trên nhằm tạo điều kiện cho các nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát của Chính phủ, sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng này khi luật kiểm soát dịch bệnh sửa đổi dự kiến được ban hành. Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan được thành lập theo sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp về mặt kỹ thuật sẽ không còn tồn tại nếu tình trạng khẩn cấp không được gia hạn vào cuối tháng. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam cho biết trước đó rằng trên thực tế, CCSA sẽ tiếp tục hoạt động, mặc dù cơ quan này có thể phải được chuyển đổi thành một tổ chức khác sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Phát biểu sau cuộc họp Nội các ngày 21/9, Phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek khẳng định Nội các nước này vẫn chưa thảo luận về khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp khi hết hạn vào ngày 30/9 tới. Tờ Bangkok Post ngày 22/9 dẫn một nguồn tin Nội các cho biết chính phủ có thể chưa bắt đầu thực thi Luật về bệnh truyền nhiễm sửa đổi vào cuối tháng này như dự kiến vì dự thảo sửa đổi luật này trước tiên vẫn cần phải được Quốc hội phê chuẩn.

Theo bà Rachada, việc sửa đổi luật là nhằm tăng cường hiệu quả của công tác kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và đẩy nhanh các nỗ lực ngăn chặn một đợt bùng phát mới nghiêm trọng. Theo luật mới sửa đổi, việc quản lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng sẽ được tách biệt với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng nào khác đang phát sinh hoặc tái xuất hiện. Trong trường hợp một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng bùng phát, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp sẽ không còn cần thiết nữa mà thay vào đó Luật về bệnh truyền nhiễm sửa đổi sẽ được viện dẫn. Luật sửa đổi cũng sẽ cho phép một cơ quan mới được thành lập để chỉ đạo cuộc chiến ngăn chặn một đợt bùng phát nghiêm trọng mới.

Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan cho biết số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang giảm dần, nhưng vẫn dao động ở mức khoảng 10.000 ca/ngày, do Thái Lan bắt đầu dỡ bỏ những hạn chế nhằm phục hồi nền kinh tế. Thư ký thường trực về sức khỏe cộng đồng Kiattiphum Wongrajit nói rằng COVID-19 dự kiến sẽ trở thành bệnh đặc hữu trong tương lai khi những người bị nhiễm sẽ không còn bị bệnh nặng và số ca mắc mới không cao. Theo ông Kiattiphum, thủ đô Bangkok hiện vẫn ghi nhận từ 2.000 đến 3.000 ca mắc mới/ngày. Các doanh nghiệp được phép nối lại hoạt động bình thường có thể cân nhắc xét nghiệm nhân viên của mình mỗi tuần nếu có nguy cơ nhiễm bệnh tại nơi làm việc.

Thái Lan sáng 22/9 ghi nhận thêm 11.252 ca mắc mới COVID-19 và 141 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 1.511.357 ca, trong đó có 15.753 ca tử vong. Thái Lan hiện là quốc gia có số lượng người được tiêm chủng ngừa COVID-19 nhiều thứ hai trong ASEAN, với khoảng 43,8% dân số được tiêm chủng ít nhất một mũi (tính đến ngày 20/9).

Ngọc Quang (TTXVN)
Thái Lan nâng trần nợ công để phục hồi nền kinh tế
Thái Lan nâng trần nợ công để phục hồi nền kinh tế

Chính phủ Thái Lan đã quyết định nâng trần tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 60% lên 70%, điều sẽ cho phép tiếp tục vay nợ để phục hồi nền kinh tế bị phá hủy bởi đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN