Vụ trưởng Vụ Quản lý tài chính Poomisak Aranyakasemsuk cho biết người dân Thái Lan và người nước ngoài, bao gồm cả ngoại kiều thuộc diện chi trả của chương trình phúc lợi xã hội của nước này, có thể yêu cầu thanh toán các khoản chi phí y tế lớn hơn so với giới hạn của chương trình phúc lợi xã hội. Bộ Y tế công cộng sẽ đưa ra chi tiết và số tiền mà những người không có quốc tịch Thái Lan đủ điều kiện yêu cầu thanh toán cho các khoản chi phí y tế.
Nhằm phòng chống dịch bệnh COVID-19 lây lan, từ ngày 19/3, không quân Thái Lan đã tiến hành khử trùng một số điểm công cộng chủ chốt tại các vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Bangkok.
Một đội thuộc không quân đã được triển khai vào đêm 19/3 và rạng sáng 20/3 để phun thuốc khử trùng nhiều tuyến đường, lối đi bộ, bến xe buýt và những điểm công cộng khác tại các khu vực Rangsit và Don Mueang. Lực lượng trên dự kiến tiếp tục nhiệm vụ khử trùng từ ngày 20/3 nhằm khống chế dịch COVID-19 tại các điểm công cộng khắp các khu vực Rangsit, Khlong Luang và Thanyaburi thuộc tỉnh Pathum Thani, phía Bắc Bangkok.
Trước đó rạng sáng 19/3, lực lượng tương tự đã được triển khai để phun thuốc khử trùng tại các điểm công cộng ở khu vực nội đô Bangkok, trong đó có Tượng đài chiến thắng, Quảng trường Siam, chợ Pratunam. Theo kế hoạch, không quân Thái Lan cũng sẽ tiến hành khử trùng tại nhiều nơi khác tại thủ đô. Tính đến chiều 20/3, Thái Lan đã ghi nhận 322 ca mắc COVID-19 với 1 ca tử vong.
Do lo ngại dịch bệnh COVID-19 lây lan, Myanmar mới đây quyết định tạm dừng xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Ngày 20/3, truyền thông nhà nước đưa tin Bộ Lao động, Nhập cư và Dân số Myanmar đã gửi các cơ quan tuyển dụng nước ngoài chỉ thị hoãn xuất khẩu lao động nước này sang nước khác từ ngày 18/3. Quy trình xử lý hồ sơ, hợp đồng lao động nước ngoài cũng bị hoãn.
Cũng trong nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh, Bộ Ngoại giao Myanmar công bố từ ngày 19/3, nước này tạm thời cấm các công dân nước ngoài nhập cảnh. Đến nay, Myanmar chưa ghi nhận trường hợp nào mắc COVID-19.
Cùng ngày 20/3, các đảo quốc Samoa và Tonga đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp như một phần trong các nỗ lực nhằm phòng bệnh COVID-19. Cụ thể, Thủ tướng Samoa Tuilaepa Sailele Malielegaoi tuyên bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ nửa đêm 20/3 và kéo dài 14 ngày. Trong đó, nhà chức trách cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Samoa (trừ các công dân của đảo quốc này trở về nước và phải 5 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19), đồng thời cấm tụ tập từ 5 người trở lên.
Hoạt động giao thông công cộng cũng tạm dừng, các câu lạc bộ đêm và rạp chiếu phim sẽ đóng cửa trong thời gian trên. Các chuyến bay đến Tonga và Fiji bị tạm dừng trong khi mỗi tuần chỉ có một chuyến bay đến và đi từ Australia được phép hoạt động. Các chuyến bay đến và đi từ New Zealand bị hạn chế.
Tương tự, chính quyền Tonga cũng ban bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ nay đến ngày 17/4 tới. Theo đó, Tonga cấm tất cả các công dân nước ngoài nhập cảnh đảo quốc này. Những công dân Tonga và các quan chức đến đây trong trường hợp khẩn cấp sẽ được cách ly trong 14 ngày.
Hiện cả Samoa và Tonga chưa ghi nhận ca nào mắc COVID-19.