Theo quan chức này, hai bên hy vọng có thể hoàn tất đàm phán trong tuần này và dự kiến số thuốc nói trên có thể được chuyển giao sớm nhất vào tháng 12 năm nay. Hiện văn phòng đại diện của hãng Merck & Co tại Thái Lan chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Thuốc molnupiravir do hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức cùng phối hợp nghiên cứu phát triển. Đây là một thuốc kháng virus sử dụng qua đường uống và được phát triển để điều trị cúm.
Ngày 1/10 vừa qua, đại diện của Merck & Co cho biết kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân cho thấy molnupiravir có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong. Ngoài ra, thuốc này cũng có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Gamma, Delta và Mu. Merck & Co và đối tác cho biết sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này tại Mỹ.
Nhằm tránh tình trạng “chậm chân” so với các quốc gia phương Tây tương tự như các đợt đặt mua vaccine ngừa COVID-19 trước đây, nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Malaysia… cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán để mua thuốc kháng virus molnupiravir của hãng Merck & Co. Trong khi đó, Philippines đang xúc tiến thử nghiệm loại thuốc điều trị COVID-19 này.
Merck & Co đặt mục tiêu tới cuối năm nay sẽ sản xuất được 10 triệu toa thuốc molnupiravir và hiện Chính phủ Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu toa với giá 700 USD/toa cho một liệu trình điều trị COVID-19.
* Cùng ngày, Giám đốc điều hành (CEO) công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, ông Ugur Sahin, cho biết nhiều khả năng thế giới sẽ cần một loại vaccine mới ngừa COVID-19 trong năm tới.
Theo trang tin theblaze.com, CEO Sahin nhận định có thể sẽ cần một công thức vaccine mới ngừa COVID-19 vào giữa năm 2022 để chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biến thể này có khả năng "qua mặt" hệ miễn dịch của cơ thể và thậm chí là "lá chắn" của các mũi vaccine tăng cường. Theo ông, “không có lý do gì để cho rằng các biến thể virus mới sẽ dễ đối phó hơn”, do vậy sẽ cần một loại vaccine mới có thể nhắm thẳng vào biến thể mới”.
Tuy nhiên, CEO BioNTech nhấn mạnh chưa cần có vaccine mới trong thời điểm này, do các vaccine hiện nay có khả năng ngăn chặn biến thể Delta.