Tình trạng này cũng liên quan đến tuổi tác và béo phì. Một số thuật ngữ đã được sử dụng để mô tả các triệu chứng COVID-19 kéo dài sau khi hồi phục và “Long COVID” là một trong số đó. Tiến sĩ Piamlap Sangsayan, Giám đốc Viện Ngực Trung ương Thái Lan thuộc DMS, cho biết tỷ lệ mắc các triệu chứng COVID kéo dài có thể tăng lên theo tuổi tác, tình trạng béo phì và việc sử dụng steroid hằng ngày.
Các triệu chứng “Long COVID” - bao gồm mệt mỏi, đau cơ, đau đầu và trầm cảm - có thể xảy ra do phản ứng của cơ thể hoặc tác dụng phụ của thuốc được sử dụng cho bệnh nhân trong quá trình điều trị. Một số triệu chứng kéo dài sau thời gian điều trị.
Trích dẫn số liệu thống kê của DMS, Tiến sĩ Piamlap cho biết khoảng 10-20% bệnh nhân ở Thái Lan đã trải qua các triệu chứng Long COVID sau khi hồi phục, trong khi tình trạng này ảnh hưởng đến khoảng 40-50% bệnh nhân sau điều trị ở các quốc gia khác.
Bà Piamlap nói thêm rằng tỷ lệ thấp hơn ở người Thái Lan có thể là do có khả năng những người trải qua các triệu chứng không cung cấp thông tin cho cơ quan y tế sau khi bình phục hoàn toàn.
Từ đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên và thứ hai, dữ liệu cũng cho thấy 5-10% bệnh nhân được phát hiện bị đau cân cơ (fascia pain) mà phải mất khoảng 6 tháng đến một năm để khỏi. Các phương pháp điều trị được điều chỉnh tùy theo các triệu chứng. Sau khi hồi phục, bệnh nhân sẽ tham gia một chương trình phục hồi chức năng.
Hầu hết bệnh nhân sẽ dần hồi phục sau triệu chứng Long COVID sau 1 tháng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể mất đến 6 tháng để hồi phục hoàn toàn. Tiến sĩ Piamlap nói rằng những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 ít mắc các triệu chứng Long COVID vì vaccine tạo khả năng bảo vệ chống lại tình trạng này. Những bệnh nhân bị viêm phổi sau khi hồi phục không được coi là mắc Long COVID vì virus đã chết.
Thái Lan sáng 15/9 ghi nhận thêm 13.798 ca mắc COVID-19 cùng 144 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ đầu mùa dịch lên 1.420.340 ca, trong đó có 14.775 người không qua khỏi. Hầu hết các ca nhiễm mới và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận kể từ khi bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba hồi đầu tháng 4 đến nay. Đến nay, tổng số bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh hoàn toàn ở Thái Lan là 1.277.029 người.
Quốc gia Đông Nam Á này cũng đang chuẩn bị cho giai đoạn hai mở cửa lại đất nước và mở cửa trường học trong thời gian tới. Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn đã xác nhận rằng thủ đô Bangkok cùng các tỉnh Chon Buri, Phetchaburi, Prachuap Khiri Khan và Chiang Mai sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch từ ngày 1/10. Sau đó, 21 tỉnh khác sẽ mở cửa vào ngày 15/10. Ông Phiphat thừa nhận số lượng các ca nhiễm mới COVID-19 cao là trở ngại chính nhưng Bộ Du lịch và Thể thao đã chuẩn bị đầy đủ cho việc mở cửa trở lại.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Bộ Y tế đã nhất trí về một bộ quy định và hướng dẫn để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại các trường học, được gọi là quy tắc "Khu vực an toàn hộp cát trong trường học". Các trường học cũng sẽ phải đảm bảo rằng ít nhất 85% học sinh và nhân viên được tiêm chủng trước khi được phép mở cửa lại. Ở những khu vực có tốc độ lây truyền và các ca bệnh đặc biệt cao, như tại 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm bao gồm cả Bangkok, số lượng học sinh trong lớp học sẽ được giới hạn ở mức 25 học sinh, đồng thời nhân viên và học sinh sẽ được xét nghiệm bằng các bộ xét nghiệm kháng nguyên (ATK). Ngoài ra, các trường học cần lập khu vực cách ly để ngăn chặn lây lan nếu phát hiện ra các ca nhiễm bệnh.
Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên từ ngày 4/10. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cũng đang xem xét đề xuất tiêm vaccine Sinopharm cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên.