Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Prayut đã ca ngợi hành động ứng phó của tất cả các nước thành viên đối với đại dịch COVID-19 thông qua những nỗ lực tổng hợp của tất cả các ngành cho sự phục hồi toàn diện và sinh kế tốt hơn của người dân khu vực.
Thủ tướng Prayut cho rằng hội nghị lần này là cơ hội tốt để các nước thành viên xem xét và đánh giá tiến bộ, đồng thời thúc đẩy hợp tác mang tính xây dựng trong khuôn khổ GMS. Thủ tướng Prayut nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cấp hợp tác để xây dựng dựa trên thành công của chiến lược 3C “Kết nối, Cạnh tranh và Cộng đồng”, điều mà ông Prayut nhìn nhận là chìa khóa cho sự hợp tác GMS.
Về kết nối, Thủ tướng Prayut đề cập tới việc đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kết nối giao thông thông suốt trong tiểu vùng và với các khu vực khác. Thủ tướng Prayut cho biết Thái Lan nỗ lực phát triển mạng lưới giao thông bao phủ tất cả các vùng của đất nước, và kết nối các thành phố với các khu vực phát triển đặc biệt ở biên giới theo mạng lưới liên tỉnh đường cao tốc-đường sắt (MR-Map) và siêu dự án cầu cạn ở miền Nam mà GMS có thể sử dụng như một kênh xuất nhập khẩu mới. Kết nối với các nước thành viên của tam giác phát triển Indonesia-Malaysia-Thái Lan (IMT-GT) cũng có thể được xây dựng dựa trên cơ sở này.
Thái Lan cũng sẵn sàng kết nối đường sắt cao tốc với tuyến đường sắt Lào-Trung Quốc để tăng cường vận chuyển hàng hóa và mở rộng chuỗi giá trị của tiểu vùng. Thái Lan còn hỗ trợ phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng ở các nước láng giềng, như xây dựng Cầu Hữu nghị Thái Lan-Lào số 5 và số 6, Cầu Hữu nghị Thái Lan-Campuchia trong nỗ lực thúc đẩy kết nối liền mạch thực sự trong GMS. Thủ tướng Prayut kêu gọi các nước thành viên GMS và ADB thúc đẩy thực hiện một cách cụ thể Hiệp định Vận tải qua biên giới (CBTA) và đàm phán để hài hòa các quy tắc và quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc di chuyển của xe tải và hàng hóa qua biên giới.
Về cạnh tranh, Thủ tướng Prayut đề cập tới việc tạo bầu không khí có lợi cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của GMS. Thủ tướng Prayut cho biết Thái Lan coi trọng việc hỗ trợ khắc phục song song với nâng cao năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và thúc đẩy thương mại điện tử. Thái Lan cũng cố gắng tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế, đồng thời thúc đẩy trao quyền cho cộng đồng nhằm đảm bảo phân phối thu nhập một cách công bằng. Sự phát triển của Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) thúc đẩy đầu tư vào đổi mới và công nghệ cao theo chính sách Thái Lan 4.0. Khuyến khích các hoạt động kinh tế vùng thông qua phát triển các đặc khu kinh tế dọc khu vực biên giới cũng được ưu tiên nhằm tăng cường liên kết các chuỗi giá trị nội vùng và liên tiểu vùng.
Về cộng đồng, Thủ tướng Prayut đề cập tới việc xây dựng một cộng đồng GMS bao trùm và bền vững với tương lai chung, đặc biệt là thúc đẩy khả năng miễn dịch của tiểu vùng đối với các bệnh dịch hoặc các bệnh mới xuất hiện. Thủ tướng Prayut cho biết Thái Lan đã phát triển Kế hoạch tổng thể đặc biệt trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia ứng phó với các tình huống COVID-19 (2021-2022), vốn sẽ bổ sung cho việc triển khai trong khuôn khổ tiểu vùng GMS.
Thái Lan cũng tán thành hợp tác về y tế công cộng, tập trung vào chăm sóc sức khỏe toàn diện và tăng cường hợp tác biên giới để đảm bảo GMS an toàn thông qua trao đổi kiến thức, tăng cường giám sát và phòng chống dịch bệnh ở cấp khu vực. Nền kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) đã được thực hiện như một chương trình nghị sự quốc gia để đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDB) 2030.
Thủ tướng Prayut cảm ơn ADB và các đối tác phát triển khác, các khu vực doanh nghiệp và người dân đã tiếp tục tham gia vào quá trình phát triển GMS, đồng thời bày tỏ hy vọng kết quả của hội nghị sẽ từ tầm nhìn tới hành động nhằm mang lại sự thịnh vượng cho tiểu vùng GMS cũng như sự bền vững mà không để lại ai phía sau.
Tham dự Hội nghị GMS lần thứ 7 với chủ đề "GMS: Lấy lại sức mạnh để đối phó với những thách thức trong thập niên mới" còn có các nhà lãnh đạo của Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc và Chủ tịch ADB.
Tại Hội nghị, 3 văn kiện đã được thông qua là Tuyên bố chung lần thứ 7 của Lãnh đạo của 6 nước Tiểu vùng Mekong mở rộng, Dự thảo khuôn khổ chiến lược hợp tác kinh tế trong Tiểu vùng Mekong mở rộng và Dự thảo kế hoạch phục hồi và ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 (2021-2023).