Thái Lan bảo vệ biện pháp sử dụng kết hợp 2 loại vaccine

Ngày 13/7, Thái Lan đã đưa ra quan điểm bảo vệ việc sử dụng kết hợp 2 loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới, bất chấp cảnh báo của một nhà khoa học hàng đầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng đây là "một xu hướng nguy hiểm" chưa được chứng minh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac cho người dân tại tỉnh Pattani, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà chức trách Thái Lan cho biết sẽ kết hợp 2 loại vaccine của hãng AstraZeneca và hãng Sinovac, trong đó sử dụng vaccine của hãng Sinovac để tiêm mũi một, còn vaccine của hãng AstraZeneca tiêm mũi hai.

Theo chuyên gia về virus của Thái Lan Yong Poovorawan, việc kết hợp này nhằm đạt được hiệu quả miễn dịch trong vòng 6 tuần sau tiêm thay vì 12 tuần như thường lệ. Ông nhấn mạnh Thái Lan không thể chờ tới 12 tuần để đạt hiệu quả miễn dịch trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tăng vọt và gây sức ép lên hệ thống y tế như hiện nay. Ông nói thêm rằng trong tương lai có thể sẽ có giải pháp tốt hơn khi tình hình tốt lên và vaccine được cải tiến.

Phát biểu của ông Poovorawan đưa ra một ngày sau khi nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cho rằng việc kết hợp các loại vaccine là "một xu hướng nguy hiểm" vì đến nay hình thức tiêm chủng như vậy chưa được chứng minh.

Thái Lan hiện ghi nhận tổng cộng hơn 353.700 ca nhiễm, trong đó 2.847 ca tử vong vì COVID-19, phần lớn trong số đó là những ca bệnh phát hiện trong làn sóng dịch bệnh mới nhất bùng phát kể từ tháng 4 từ một khu giải trí ban đêm ở Bangkok.

Hiện Thái Lan đang áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và lệnh cấm tụ tập trên 5 người ở những điểm nóng dịch bệnh là Bangkok và 9 tỉnh khác. Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, nội các Thái Lan ngày 13/7 đã thông qua gói phục hồi 30 tỷ bath (920 triệu USD). Người dân cũng sẽ được giảm giá điện và nước sinh hoạt.

* Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel ngày 13/7 tuyên bố nước này không có kế hoạch bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một số nhóm dân số như cách Pháp và các nước khác đang triển khai, thay vào đó tiếp tục kêu gọi người dân tích cực đi tiêm chủng. Bà nhấn mạnh cần có thêm nhiều người dân Đức đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi những biện pháp hạn chế được dỡ bỏ. 

Sau giai đoạn khởi đầu chậm chạp vào đầu năm nay, Đức đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vào mùa hè. Tính đến ngày 13/7, Đức đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho 58,5% người trưởng thành, trong đó 42,6% đã nhận đủ liều vaccine. Tuy nhiên, nhu cầu tiêm chủng tại Đức đã chậm lại trong 2 tuần qua, trong đó số mũi tiêm được thực hiện vào ngày 12/7 ở mức thấp nhất kể từ tháng 2. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang lây lan nhanh chóng tại Đức và Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho rằng để đạt được miễn dịch cộng đồng thì ít nhất 85% người trưởng thành phải được tiêm chủng, một số chuyên gia kêu gọi một cách tiếp cận mới trong chương trình tiêm chủng, trong đó có phương án bắt buộc tiêm chủng ở một số nhóm đối tượng. 

Trước đó, ngày 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo thực hiện bắt buộc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đối với nhân viên y tế, những người làm việc tại nhà dưỡng lão và những người có tiếp xúc với những đối tượng dễ bị tổn thương, kể từ tháng 9 tới, tương tự như Hy Lạp, Italy và Anh.

Trần Quyên (TTXVN)
Ấn Độ sẽ sản xuất 300 triệu liều vaccine Sputnik V mỗi năm
Ấn Độ sẽ sản xuất 300 triệu liều vaccine Sputnik V mỗi năm

Các nhà phát triển vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga ngày 13/7 cho biết đã đạt một thỏa thuận với Viện Huyết thanh Ấn Độ để sản xuất 300 triệu liều vaccine mỗi năm tại quốc gia Nam Á này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN