Việc không giành được giải thưởng gạo ngon nhất thế giới trong 2 năm liên tiếp là một hồi chuông cảnh báo cho Thái Lan trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống lúa Hom Mali để bắt kịp nhu cầu gạo thơm toàn cầu đang thay đổi.
Sau khi giành chiến thắng trong 5 năm liên tiếp, gạo Hom Mali (gạo Nhài) của Thái Lan đã thất bại trong năm ngoái trước gạo thơm của Campuchia và trong năm nay trước giống gạo ST25 của Việt Nam tại cuộc thi World’s Best Rice (Gạo Ngon nhất thế giới) do tổ chức The Rice Trader tổ chức.
Theo tờ Bangkok Post, ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết: "Đã đến lúc cả chính phủ và khu vực tư nhân phải cùng chung tay nỗ lực nghiêm túc hơn để cải thiện chất lượng gạo Thái Lan nhằm đáp ứng mong đợi của thị trường toàn cầu".
Không giống như hai thập kỷ trước khi Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới và có thể bán rất mạnh bất cứ loại gạo nào họ sản xuất, số lượng đối thủ cạnh tranh với họ đang tăng lên. "Danh tiếng của đất nước sản xuất gạo chất lượng đang bị ảnh hưởng do thiếu nghiên cứu và phát triển hiệu quả để tạo ra các giống lúa hương Nhài tốt hơn", ông Charoen nói.
Chi phí cao hơn, năng suất thấp hơn
Đồng baht mạnh cũng làm trầm trọng thêm tình hình xuất khẩu gạo. Đồng nội tệ lên giá đã đẩy giá gạo Thái Lan cao hơn 1.100 USD/tấn so với các đối thủ. “Do đó, các đối thủ như Việt Nam chẳng hạn đang chiếm thị phần lớn hơn trong thương mại gạo toàn cầu, vì họ có thể bán gạo với giá chỉ bằng một nửa so với Thái Lan”, ông Charoen nói.
Việt Nam đã giành chiến thắng trong cuộc thi Gạo Ngon nhất thế giới năm nay bởi vì họ đã liên tục phát triển các giống lúa của mình để cải thiện cả chất lượng và năng suất cây trồng. Trong khi đó, Thái Lan mắc kẹt với các giống gạo cũ như Thai Hom Mali và Pathum Thani 1 và đã không tạo ra bất kỳ chủng mới nào trong một thời gian dài, ông nói.
Năng suất gạo Thái Lan là khoảng 400 kg mỗi rai (đơn vị đo diện tích = 1.600m2), khá thấp so với năng suất 1.000kg/rai của gạo Việt Nam, ông Chairoen cho biết thêm. Và trong khi khách hàng trên thị trường thế giới đang tìm kiếm loại gạo có kết cấu mềm, thì gạo Thái vẫn cứng như nhiều năm trước.
Mặc dù có sự phát triển của một số giống mới mềm hơn, nhưng việc thúc đẩy người trồng giống lúa này vẫn chậm và không thành công. Điều này đã khiến các nhà xuất khẩu không thể đáp ứng nhu cầu gạo mềm, dẻo.
Tệ hơn nữa, theo ông Chairoen, một đồng baht mạnh hơn đã làm tê liệt khả năng của các nhà xuất khẩu trong cạnh tranh với các đối thủ ở các quốc gia trồng lúa khác. "Nếu không có gì được thực hiện để cải thiện vấn đề này, danh tiếng gạo Nhài Thái sẽ sớm trở thành quá khứ", ông Charoen nói. Khi người tiêu dùng ở các quốc gia quen với mùi vị của gạo rẻ hơn từ các nước xuất khẩu gạo khác, Thái Lan sẽ rất khó lấy lại chỗ đứng.
Tìm kiếm một giải pháp
Ông Nipon Poapongsakorn, thành viên Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan, cho biết có một cách giúp giảm giá gạo Thái là giảm chi phí sản xuất bằng cách tăng sản lượng. "Thái Lan có thể xem xét phát triển một giống lúa ít thơm hơn nhưng cho năng suất cao hơn để cắt giảm chi phí".
Năng suất của vụ mùa trái vụ cần tăng lên ít nhất 1.000kg/rai. Ông Nipon nói thêm rằng giống lúa lai của Trung Quốc hiện đạt năng suất lên tới 2.000kg/rai.
Chính phủ Thái Lan cũng nên xem xét đưa ra nhiều khuyến khích để mọi người có thể trở thành nhà nghiên cứu. Chẳng hạn Trung Quốc cung cấp cho các nhà nghiên cứu một phần khá thu nhập kiếm được thông qua phí sở hữu trí tuệ, thậm chí còn cao hơn lương cho các nhà nghiên cứu trong ngành dân sự - ông Nipon nói và cho rằng, thay vì cứ nuôi niềm tự hào rằng gạo Thái tốt hơn sản phẩm từ các quốc gia khác, Thái Lan nên chú ý hơn để đáp ứng thay đổi của người mua gạo trên thị trường thế giới.
Các chính sách can thiệp
Ông Charoen đổ lỗi việc thiếu chú trọng phát triển giống lúa của Thái Lan cho các chính trị gia vốn chỉ tìm cách tranh giành sự ủng hộ của nông dân thông qua bảo đảm giá hoặc các biện pháp can thiệp giá khác.
"Những chính sách này đã thất bại trong việc khuyến khích nghiên cứu và phát triển giống lúa mới. Khi nông dân hài lòng với các chính sách trợ giá, họ không còn quan tâm đến việc cải tiến chất lượng hay năng suất”, ông Charoen khẳng định.
Ưu tiên ở đây là phải tăng tốc phát triển giống lúa Hom Mali với năng suất ít nhất 800kg/rai, điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất. “Vấn đề là các trung tâm nghiên cứu lúa gạo của Thái Lan đang sử dụng những công cụ lỗi thời, còn thành viên thì đều là các nhà nghiên cứu già. Vì vậy, để đối phó với vấn đề này, chính phủ nên biến nghiên cứu lúa gạo thành một chương trình nghị sự quốc gia", ông Charoen kêu gọi.
Hỗ trợ ít cho nghiên cứu – phát triển
Ngân sách hàng năm chỉ 200-300 triệu baht cho nghiên cứu không đủ để thu hút các nhà nghiên cứu có năng lực và tài năng, theo ông Nipon.
"Các đối thủ cạnh tranh của Thái Lan đang chi nhiều tiền hơn cho nghiên cứu lúa gạo của họ... Ngân sách nghiên cứu chỉ là 238,6 triệu baht vào năm ngoái (2018), trong khi đóng góp của lĩnh vực xuất khẩu gạo cho Tổng Sản phẩm Quốc nội của Thái Lan lên tới 140 tỷ baht," ông nói.
Tanee Sreewongchai, Phó khoa Nghiên cứu và Đổi mới của ngành Nông học tại Khoa Nông nghiệp của Đại học Kasetsart, cho biết gạo Nhài Thái được phát triển từ giống "Khao Dok Mali 105" và "Kor Khor 15", tạo ra mùi thơm đậm, kết cấu mềm và hạt dài.
Nhưng đó là tiêu chuẩn của năm 1959, và kể từ đó, không có nỗ lực nào để cải thiện chất lượng lại gạo này, trong khi các chủng gạo đối thủ của Thái Lan thì ngày càng được nâng cao chất lượng hơn.
Tuy nhiên, Cục Lúa gạo Thái Lan đang cố gắng phát triển giống Nhài Thái hơn nữa để tăng năng suất và giúp nó chống chịu được nhiều bệnh tật và điều kiện thời tiết hơn. Điều này là do gạo Nhài Thái Lan được phát triển từ gạo bản địa với năng suất trung bình chỉ 350kg/rai. Ngoài ra, một vấn đề thách thức khác là nông dân Thái Lan có chi phí sản xuất gạo cao so với các đối thủ như Việt Nam và Campuchia.
"Vấn đề không liên quan đến giống lúa Thái Lan, nhưng nó có thể liên quan đến quy trình thu hoạch và đóng gói làm tổn hại đến chất lượng và hương thơm của gạo – mà một báo cáo của cục chúng tôi đã chỉ ra", ông Tanee Sreewongchai nói.
Ông cho biết các nhà xuất khẩu nhận thức được vấn đề và cố gắng giữ gạo được thu hoạch ở nhiệt độ tối ưu để duy trì mùi thơm. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng Việt Nam hiện là đối thủ thực sự vì có thể sản xuất gạo tốt hơn với giá thấp hơn.
Trong khi đó, ông Charoen cho biết, hiện tại, mức độ phổ biến của gạo Nhài Thái Hom Mali trên thị trường toàn cầu vẫn cao mặc dù đã thua hai năm liên tiếp ở cuộc thi gạo ngon thế giới. Điều đó có nghĩa là Thái Lan vẫn còn thời gian nếu muốn đẩy nhanh nghiên cứu và phát triển.
Ông Boonrue Chantarangsri, điều phối viên của Tổ chức Mạng lưới Quản lý tri thức và Nông dân ở Nakhon Sawan, lại không đánh giá cao cuộc thi gạo hàng năm, cho rằng đó là một đánh giá chủ quan về hương vị.
Boonrue nói rằng cơ quan ông đã thu thập các giống lúa nội địa, có thể được phát triển thêm để có chất lượng cao hơn về kết cấu và chất dinh dưỡng cho người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe. Thay vì thi thố, ông thích nhìn vào số liệu thị phần để xác định thành công của gạo Nhài Thái Lan. Và tính đến tháng 8/2019, Thái Lan vẫn là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Ấn Độ, nhưng bỏ xa tất cả các đối thủ ở Đông Nam Á.