Người phụ nữ mới cưới 32 tuổi này thừa nhận cô không để ý nhiều đến các chính sách hiện hành về kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc trẻ em ở Trung Quốc. Đối với Yu, điều quan trọng hơn là tâm lý sẵn sàng. Tại nước này, nhiều cặp đôi đã trì hoãn việc kết hôn và sinh con, vì những lý do như ổn định tài chính hoặc bình đẳng giới.
Quan điểm này đang đi ngược lại những nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ của Trung Quốc. Bắc Kinh đã đưa ra một loạt các biện pháp đầy sáng tạo - như cho phép các cặp đôi đăng ký kết hôn tại những địa điểm hấp dẫn thay vì đến uỷ ban, cho đến những biện pháp thực tế như cung cấp bảo hiểm thai sản, mở rộng dịch vụ chăm sóc trẻ em và miễn thuế.
Chính phủ cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát trên toàn quốc, nhắm mục tiêu vào khoảng 30.000 người dân ở trên 150 huyện và 1.500 cộng đồng khác nhau, để hiểu và phân tích thái độ đối với việc sinh con, cùng tâm lý ngần ngại và sợ hãi liên quan đến việc sinh con.
“Tôi nghĩ việc có con phụ thuộc nhiều hơn vào quyết tâm và kiên nhẫn của các cặp đôi khi đối mặt với những thách thức hàng ngày trong cuộc sống. Chúng tôi muốn tận hưởng thêm vài năm nữa bên nhau sau khi kết hôn trước khi tính đến chuyện có con”, cô Yu chia sẻ.
Theo dữ liệu chính thức do Bộ Nội vụ Trung Quốc công bố vào ngày 1/11, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đã ở mức thấp nhất. Nước này cũng đang trên đà ghi nhận số cắp đôi mới kết hôn mới thấp nhất.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay tỷ lệ sinh mới đã giảm gần một nửa - từ khoảng 17 triệu ca sinh vào năm 2014 xuống chỉ còn 9 triệu ca sinh vào năm 2023.
Tỷ lệ kết hôn - có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc - cũng không mấy khả quan. Chỉ có 4,75 triệu cặp đôi kết hôn trong 9 tháng qua, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông He Yafu, nhà nhân khẩu học tại Quảng Đông, ước tính số cặp đôi kết hôn trong năm nay có thể giảm từ 6 đến 7 triệu, giảm đáng kể so với những năm trước.
Dân số Trung Quốc, từng đạt mức đông nhất thế giới, đã vượt mốc 1,4 tỷ người nhưng đã giảm trong 2 năm liên tiếp do tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm mạnh.
Thêm vào đó, thế hệ trẻ đang phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc hỗ trợ dân số già hóa, với ít người chăm sóc người cao tuổi hơn và số người cao tuổi ngày càng gia tăng.
Các chuyên gia cho biết dân số giảm đã khiến nền kinh tế chậm lại, nguyên nhân khiến mọi người không muốn kết hôn và sinh con.
Tiến sĩ Yi Fuxian, nhà nhân khẩu học tại Đại học Wisconsin-Madison, bình luận: “Lao động là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc và tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc đã dẫn đến lực lượng lao động giảm. Dân số già hóa và mức tiêu dùng không đủ khiến nền kinh tế chậm lại”.
Hơn nữa, phục hồi kinh tế không đồng đều sau đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, thị trường bất động sản gặp khó khăn, lòng tin của người tiêu dùng suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên cũng góp phần khiến tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm mạnh.
“Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc thậm chí không thể tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân, chứ đừng nói đến việc kết hôn và sinh con”, Tiến sĩ Yi cho biết. Ông nói thêm rằng rõ ràng là những thách thức kinh tế hiện tại, kết hợp với di sản lâu dài của chính sách một con có hiệu lực từ năm 1979, sẽ khiến nhiệm vụ nâng cao tỷ lệ sinh quốc gia trở thành nhiệm vụ khó khăn đối với chính phủ.
Tại Trung Quốc, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi ước tính vào khoảng 485.000 nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng) vào năm 2019, gần gấp 7 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của quốc gia này. Chi phí này cao hơn nhiều so với những quốc gia khác, kể cả Mỹ và Nhật Bản, theo Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh.
Chia sẻ về những khó khăn khi nuôi một bé gái mới sinh, cô Xiao Zhang, 27 tuổi, nhân viên ngân hàng ở Ngân Xuyên (thủ phủ của vùng Ninh Hạ), cho biết cô không chắc các chính sách hiện nay có thể giải quyết được những thách thức này.
“Với trẻ em, chúng tôi phải cân nhắc đến nhà ở, khu vực trường học, các cơ sở gần đó và chủ yếu là gánh nặng tài chính. Chúng tôi không thể tự mình xoay xở. Chúng tôi không thể cân bằng việc chăm sóc trẻ em nếu không có sự hỗ trợ từ các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Ở vùng nông thôn, ông bà thậm chí còn phải thích nghi với cuộc sống ở thành phố, điều này rất khó khăn”, cô nói.
Trung Quốc không đơn độc trong cuộc đấu tranh nhân khẩu học. Các chuyên gia cho biết Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chứng kiến những cuộc chiến tương tự về tỷ lệ sinh và ít kết hôn thấp. Theo đó, các ưu đãi của chính phủ như thời gian nghỉ thai sản dài hơn và trợ cấp tiền mặt vẫn chưa mang lại kết quả.
Nhà xã hội học Sandy To đã đề cập đến vấn đề nhiều phụ nữ Hàn Quốc và Nhật Bản ở độ tuổi sinh đẻ lại chưa kết hôn và đang lựa chọn sống độc thân lâu hơn.
“Càng kết hôn muộn, họ càng ít có khả năng sinh con do những hạn chế về mặt sinh học”, Tiến sĩ To cho biết. Bà cho rằng các chính sách ủng hộ sinh con ở Trung Quốc cần phải giúp phụ nữ tự tin rằng việc sinh con sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lối sống và sự nghiệp của họ.
Một số chính quyền địa phương thậm chí còn tiến xa hơn trong các ưu đãi có mục tiêu. Tại thành phố Lữ Lương (tỉnh Sơn Tây), các cặp đôi kết hôn lần đầu sẽ được trao phần thưởng lên tới 1.500 nhân dân tệ, nếu cô dâu dưới 35 tuổi.
Việc đăng ký kết hôn cũng đã được đơn giản hóa và thậm chí được tô điểm thêm, với các địa điểm và bối cảnh hấp dẫn trong các công viên đẹp như tranh vẽ, bãi biển và các địa danh ý nghĩa dành riêng cho sự kiện này, để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho những cặp đôi.
Nhưng bất chấp những nỗ lực và chính sách này, nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn còn hoài nghi về việc thay đổi các ưu tiên trong cuộc sống.
Một số phụ nữ, như cô Xiao, hy vọng có thêm hỗ trợ thiết thực như kéo dài thời gian nghỉ thai sản, mà cô tin rằng có thể tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa trong việc chăm sóc con gái mới sinh của mình.
“Một đứa trẻ 6 tháng tuổi vẫn cần mẹ và việc buộc phải xa con là rất đau đớn. Tôi hy vọng giới chức sẽ cho phép thực hiện tuần làm việc 5 ngày, ngày làm việc 8 giờ và bảo vệ chế độ nghỉ thai sản của phụ nữ”, cô nói.