Tây Ban Nha lập trung tâm có thể tiếp nhận 1.000 người tị nạn Afghanistan

Ngày 20/8, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết một trung tâm tại nước này dùng để tiếp nhận những người Afghanistan vốn từng làm việc cho các cơ quan Liên minh châu Âu (EU) có sức chứa 1.000 người.

Chú thích ảnh
Đám đông người sơ tán chờ đợi được rời khỏi Afghanistan tại sân bay quốc tế ở Kabul, ngày 16/8/2021, khi Taliban tuyên bố kiểm soát quốc gia Tây Nam Á. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình RTVE, ông Albares nhấn mạnh trung tâm này sẽ trở thành cửa ngỏ đến EU dành cho những đối tượng trên và thân nhân của họ. 

Trước đó, Bộ trưởng Di trú  Jose Luis Escriva cho biết khi đặt chân tới trung tâm này, người tị nạn Afghanistan sẽ được xét nghiệm COVID-19 và sẽ được chuyển đến các nước EU khác nhau.

Trong khi đó, theo kế hoạch, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis sẽ điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào tối cùng ngày (theo giờ Việt Nam) nhằm thảo luận tình hình tại Afghanistan trong bối cảnh Athens quan ngại về nguy cơ xảy ra làn sóng người di cư quy mô lớn, tương tự như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Năm 2015, Hy Lạp là quốc gia trong tuyến đầu đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư tìm đường tới châu Âu khi có gần 1 triệu người chạy trốn khỏi Syria, Iraq và Afghanistan tìm đường đến các quốc gia châu Âu. Phần lớn trong số này di tản qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Hy Lạp khẳng định rằng nước này không muốn trở thành điểm tiếp nhận người tị nạn Afghanistan tới châu Âu, đồng thời cho biết sẽ siết chặt biên giới để ngăn làn sóng này..

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hối thúc các quốc gia châu Âu chịu trách nhiệm về dòng người di cư từ Afghanistan, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định trở thành nơi tiếp nhận người di cư của châu Âu trong bối cảnh bất ổn tại Afghanistan sau khi lực lượng Taliban kiểm soát đất nước. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã triển khai các biện pháp kiểm soát dọc theo biên giới Iran, một tuyến đường trọng điểm của người di cư Afghanistan vào Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tham gia đối thoại với chính phủ mới của Taliban để thảo luận về các chương trình nghị sự chung.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho biết Nga thường xuyên cung cấp viện trợ nhân đạo liên tục cho Afghanistan thông qua các tổ chức quốc tế. Phát biểu với đài truyền hình địa phương TSN24 của Nga, bà Zakharova nói Nga vẫn viện trợ thường xuyên, đặc biệt là thông qua Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc. Kể từ năm 2020, tổng số viện trợ của nước này đã lên tới 3 triệu USD.

Nga cũng gửi cho Afghanistan các trang thiết bị y tế để chống lại đại dịch COVID-19. Bà Zakharova cho biết từ tháng 6-11/2020, Moskva đã phân bổ hơn 1 tấn hàng viện trợ nhân đạo, gồm các chất khử trùng và bộ dụng cụ xét nghiệm.

Thanh Hương -Việt Khoa -Duy Trinh (TTXVN)
Uganda và các quốc gia Balkan tiếp nhận người tị nạn Afghanistan
Uganda và các quốc gia Balkan tiếp nhận người tị nạn Afghanistan

Ngày 17/8, Uganda thông báo đã đồng ý tạm thời tiếp nhận 2.000 người tị nạn Afghanistan, đáp ứng yêu cầu từ Mỹ, sau khi lực lượng Taliban nhanh chóng kiểm soát Afghanistan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN