Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont phát biểu tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 15/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Lesmes nêu rõ: “ Tại Tây Ban Nha hoặc bất kỳ quốc gia thành viên EU nào khác, khi một ai đó không ra hầu tòa để làm chứng sau khi bị một thẩm phán yêu cầu, thủ tục thông thường sẽ là phát lệnh bắt giữ”.
Trước đó, ngày 1/11, ông Puigdemont cho biết ông sẽ phớt lờ yêu cầu trở về Tây Ban Nha để trả lời thẩm vấn của tòa án liên quan tới lời kêu gọi vùng Catalonia độc lập. Ông cũng không xuất hiện tại phiên tòa của Tòa án Tối cao ngày 2/11. Đề cập tới vấn đề này, luật sư của cựu Thủ hiến vùng Catalunya cho biết ông Puidgemont sẽ hợp tác với nhà chức trách Tây Ban Nha và Bỉ, mặc dù ông không ra hầu tòa. Hãng tin Reuters dẫn lời luật sư Paul Bekaert giải thích: “Thời tiết không thuận lợi, tốt hơn là nên giữ khoảng cách. Nếu họ yêu cầu, ông ấy sẽ hợp tác với cơ quan tư pháp Tây Ban Nha và Bỉ”.
Dự kiến, phiên xét xử của Tòa án tối cao Tây Ban Nha đối với 6 cựu thành viên Nghị viện mới bị giải tán của Catalonia, trong đó có Chủ tịch Nghị viện Carme Forcadell, sẽ được dời tới ngày 9/11 theo yêu cầu của các luật sư. 6 người này bị các công tố viên Tây Ban Nha cáo buộc tội danh xúi giục nổi loạn và nổi loạn, đối mặt với mức án tối đa lần lượt là 15 và 30 năm tù giam.