Tàu cao tốc của Indonesia chạy thử nghiệm lần đầu tiên

Ngày 22/5, tàu cao tốc đầu tiên của Indonesia kết nối thủ đô Jakarta và Bandung - thành phố đông dân thứ tư của quốc gia Đông Nam Á này - đã hoàn tất cuộc chạy thử nghiệm với tốc độ 180 km/h.

Đây là lần đầu tiên trong loạt thử nghiệm toàn diện với tốc độ tăng dần lên mức 385 km/h trong 3 tuần tới. Chuyến tàu đầu tiên đã giảm hơn một nửa hành trình bằng ô tô vốn thường kéo dài 2 tiếng rưỡi giữa hai thành phố.

Chú thích ảnh
Tàu cao tốc Jakarta-Bandung chạy bằng điện. Ảnh: railway-technology.com

Hành trình bằng tàu cao tốc sẽ giảm xuống còn khoảng 40 phút sau khi tốc độ đạt mức tối đa. Dự kiến, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên này của “quốc gia vạn đảo” sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào tháng Tám tới. Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 142 km này đã được khởi công vào năm 2016 và là một phần trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.

Cuộc chạy thử toàn diện ngày 22/5 đã sử dụng một đoàn tàu kiểm tra nhằm đo lường các thông số về cấu trúc đường ray, độ rung, lực kéo, hệ thống thông tin liên lạc và tín hiệu… Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) dự kiến sẽ khai trương hoạt động thương mại của đoàn tàu vào ngày 18/8. Đường ray được trang bị cảm biến thông minh, hệ thống giám sát động đất và cảnh báo sớm.

Ông Chen Dongsheng, kỹ sư cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Quốc gia, cho biết: “Bằng cách vận hành và tối ưu hóa các tương tác của hệ thống, chúng tôi có thể đảm bảo rằng toàn bộ tuyến đường sắt cao tốc này đáp ứng các yêu cầu thiết kế.

Ông Chen nhấn mạnh: “Tàu cao tốc Jakarta-Bandung chạy bằng điện và không thải khí carbon trực tiếp trong quá trình vận hành. Tàu chạy nhanh, công suất lớn và tiết kiệm năng lượng hơn so với vận tải đường bộ và đường không. Do đó, đây là phương thức di chuyển tốt nhất và thân thiện với môi trường nhất”.

Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Kartika Wirjoatmodjo cho hay: “Chúng tôi đã thảo luận với các đối tác Trung Quốc và tất cả đều diễn ra tốt đẹp – từ hệ thống tàu, bánh xe và lực kéo đến thông tin liên lạc, tín hiệu và cung cấp điện. Tất cả đã được kiểm tra hoạt động tốt ở tốc độ 180 km/h”.

Tuy nhiên, theo ông Kartika, cần có một số phương án để bảo vệ đường ray ở những khu vực dễ bị tác động từ bên ngoài như sạt lở đất và cần gia cố ở những khu vực này để ứng phó tốt hơn. Ngoài ra, công tác cách âm đang được tăng cường để khi tàu di chuyển với tốc độ tối đa sẽ không gây phiền hà cho người dân ở khu vực tàu đi qua.

Một giám đốc điều hành của liên doanh phát triển đường sắt Indonesia-Trung Quốc (KCIC) cho hay đường ray được bảo vệ bởi hàng rào chắc chắn cũng như lực lượng cảnh sát và quân đội. Người dân sinh sống dọc 2 bên đường ray được yêu cầu không thả diều hoặc thả rông động vật.

Ông Kartika cho biết thêm rằng dịch vụ đường sắt cao tốc sẽ mở ra một số khu kinh tế mới dọc theo hành lang Jakarta-Bandung, thúc đẩy sự phát triển của các khu dân cư và trung tâm đô thị khác. Theo quan chức này, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung sẽ khánh thành thương mại vào ngày 18/8, cùng ngày với tuyến đường sắt vận tải hạng nhẹ (LRT) vùng Đại Jakarta.

Các công ty nhà nước của Indonesia - trong đó có nhà điều hành đường sắt KAI và công ty xây dựng Wijaya Karya - kiểm soát 60% cổ phần của KCIC, trong khi Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt Trung Quốc và các công ty Trung Quốc khác nắm giữ số cổ phần còn lại.

Dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung có tổng chi phí dự kiến ban đầu là 6 tỷ USD, song hồi năm ngoái, phía Indonesia thông báo cần thêm 1,2 tỷ USD để đáp ứng thời hạn khai thác thương mại vào tháng 6/2023. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2019 song đã phải đối mặt với các vấn đề về giải phóng mặt bằng và chậm tiến độ xây dựng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Jakarta)
Trung Quốc bàn giao tàu cao tốc cho Indonesia
Trung Quốc bàn giao tàu cao tốc cho Indonesia

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tàu điện đa năng (EMU) phục vụ cho dự án tàu cao tốc Jakarta - Bandung (KCJB) đã bắt đầu được Trung Quốc bàn giao cho Indonesia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN