Theo Bloomberg, thông tin trên do Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (Mỹ) đưa ra ngày 22/8. Hiệp hội này cho rằng Huawei đã chuyển sang sản xuất chip vào năm 2022 và đang được nhà nước tài trợ khoảng 30 tỷ USD. Huawei đã mua lại ít nhất hai nhà máy và đang xây dựng ba nhà máy nữa.
Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung Huawei vào danh sách kiểm soát xuất khẩu vào năm 2019 vì lo ngại về an ninh. Công ty này phủ nhận mình là mối rủi ro về an ninh.
Nếu Huawei đang xây dựng các cơ sở dưới tên của các công ty khác, thì tập đoàn này có thể tránh được các biện pháp cấm và có thể gián tiếp mua các thiết bị sản xuất chip của Mỹ.
Huawei và Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Huawei đã bị đưa vào danh sách đen thương mại ở Mỹ. Hầu hết các nhà cung cấp bị cấm bán hàng hóa và công nghệ cho công ty Huawei trừ khi họ có giấy phép. Các quan chức Mỹ tiếp tục thắt chặt kiểm soát nhằm chặn Huawei mua hoặc thiết kế chip bán dẫn cung cấp năng lượng cho hầu hết các sản phẩm của công ty này.
Hồi tháng ba, trong một bài phát biểu, nhà sáng lập Huawei là ông Nhậm Chính Phi cho biết hãng này đã thay thế hơn 13.000 bộ phận trong các sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Huawei cũng đã thiết kế lại 4.000 bảng mạch cho các sản phẩm của hãng. Ông cho biết việc sản xuất bảng mạch đã được ổn định.
Kể từ năm 2019, Mỹ đã liên tiếp tiến hành các đợt kiểm soát xuất khẩu nhằm vào Huawei, nhà cung cấp lớn thiết bị sử dụng trong mạng viễn thông 5G. Những biện pháp này đã cắt đứt nguồn cung cấp chip của các công ty Mỹ cho Huawei, cũng như chặn hãng này tiếp cận các công nghệ Mỹ để thiết kế chip cho các đối tác của hãng sản xuất. Năm 2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cấm bán thiết bị mới của Huawei tại Mỹ.
Ông Nhậm Chính Phi cho biết Huawei đã đầu tư 23,8 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trong năm 2022 và nhờ lợi nhuận cải thiện, công ty sẽ tăng mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.
Trước đó, ngày 31/1, Trung Quốc đã phản đối việc Mỹ có kế hoạch áp đặt lệnh cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu công nghệ của Mỹ cho Huawei. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cáo buộc Mỹ đã cản trở Huawei bằng cách mở rộng khái niệm an ninh quốc gia, nói rằng kế hoạch trên là hành động độc quyền về công nghệ.
Do bị áp đặt các lệnh cấm, lợi nhuận kinh doanh năm 2022 của Huawei đã giảm đáng kể so với năm trước đó. Năm 2022, tập đoàn này ghi nhận mức lợi nhuận ròng 5,2 tỷ USD, giảm 68,7% so với cùng kỳ năm 20
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, Huawei ghi nhận mức doanh thu 42,96 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ suất lợi nhuận ròng đạt 15%.
Huawei từng là một trong những nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và là một trong ba nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu, chỉ sau Apple và Samsung.
Những khó khăn của Huawei đã buộc tập đoàn này phải đa dạng hóa các ngành kinh doanh, chuyển trọng tâm sang dịch vụ điện toán doanh nghiệp, đồng hồ thông minh, công nghệ y tế, công nghệ dành cho phương tiện thông minh và phần mềm.