Theo phóng viên TTXVN tại địa bàn, tại hội thảo, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), bà Heidi Hautala khi nhận định về cột mốc 45 năm quan hệ, cho rằng hai bên đã đạt mức quan hệ đối thoại thẳng thắn; khẳng định quan hệ giữa ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) là quan hệ đối tác bình đẳng, trong đó thương mại là động lực chính. Bà Hautala nhấn mạnh cần triển khai hiệu quả kết quả của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU hồi tháng 12 vừa qua, cũng như triển khai Kế hoạch hành động ASEAN-EU 2023-2027. Phó Chủ tịch EP cho rằng tuy có những khác biệt, hai bên chia sẻ nhiều mục tiêu chung, và EU sẵn sàng hợp tác thực chất với ASEAN cùng có lợi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Bỉ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU, Nguyễn Văn Thảo tham dự với tư cách diễn giả đại diện ASEAN. Phát biểu tại Phiên chủ đề hợp tác thương mại, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định đây là động lực thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU, nhấn mạnh tiềm năng hợp tác thương mại to lớn giữa hai bên với tổng dân số hơn 1 tỷ người và tổng GDP gần 18.000 tỷ euro, trong đó kim ngạch thương mại tăng mạnh trong thời gian qua, đạt gần 260 tỷ euro năm 2021, tăng 18% so với 2020.
Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, và EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN; hai bên có sự bổ trợ lẫn nhau về các mặt hàng xuất khẩu chính, đồng thời có nhu cầu và chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh cũng như chiến tranh hiện nay. EU cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 vào ASEAN với hơn 380 tỷ euro đã đầu tư vào ASEAN cho đến năm 2021.
Đại sứ cho rằng với mối quan hệ hợp tác lâu dài hơn 4 thập kỷ, và cùng là hai tổ chức khu vực thành công, ASEAN và EU là đối tác tự nhiên, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Theo đó, hai bên cần thiết lập một Hiệp định thương mại tự do (FTA), trên cơ sở các FTA đã và đang thiết lập giữa EU với các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đại sứ chia sẻ những lợi ích mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại cho cả Việt Nam và EU, trong đó xuất khẩu tăng mạnh trong năm vừa qua: xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 11,6%, và xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng 20,5%. Đại sứ chia sẻ Việt Nam nhận định rõ những thách thức khi ký FTA với EU, và khi triển khai đã thực hiện nghiêm túc những cam kết, bao gồm phê chuẩn 7/8 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) chỉ 1 năm sau khi ký FTA và đã hợp tác tốt với DAG của EU. Đại sứ mong rằng các FTA đang được đàm phán giữa EU với Indonesia, Thái Lan, cũng như với ASEAN, sẽ không mất thời gian dài như Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cũng kêu gọi EU tăng cường hỗ trợ cho ASEAN nâng cao năng lực, tăng cường tiêu chuẩn sản phẩm, đồng thời thúc đẩy hợp tác kết nối với ASEAN, bao gồm thông qua hỗ trợ Kế hoạch tổng thể về Kết nối của ASEAN (MPAC) cũng như triển khai chương trình Global Gateway của EU. Đại sứ nhấn mạnh nỗ lực cần được thúc đẩy từ cả hai phía, và cần tăng cường đối thoại để thu hẹp khoảng cách, tăng cường hiểu biết và tôn trọng văn hoá của nhau. Việt Nam sẵn sàng cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU.
Cũng tại hội thảo, ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế Nghị viện châu Âu lưu ý các cuộc bầu cử sắp tới của EU và sự cấp bách trong việc kết thúc các cuộc đàm phán thương mại. Ông hoan nghênh ý tưởng về một hội đồng nghị viện EU-ASEAN và cho rằng không nên từ bỏ mục tiêu dài hạn về FTA giữa các khu vực.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Jan Zahradil cho biết hiện có động lực tốt để tăng cường hợp tác giữa EU và ASEAN. Ông cho rằng có một cơ hội hợp tác tốt không nên bỏ qua trong mối quan hệ với các quốc gia thành viên của ASEAN, chẳng hạn như với Việt Nam. Điều này được coi như một hình mẫu trong quan hệ với các nước châu Á khác, có lợi cho cả đôi bên.
Tại hội thảo, các diễn giả đều cho rằng quan hệ ASEAN-EU còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Ngược lại xu hướng phân cực trên thế giới, cả hai bên đều coi trọng đa phương hoá; và dù có những khác biệt, từ tổ chức, thể chế của ASEAN và EU, đến khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ giữa các quốc gia thành viên, hai bên đã và đang triển khai hợp tác trên cở sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Do đó, ASEAN và EU cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trên mọi mặt, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân hai bên.
Hội thảo do Ủy ban ASEAN tại Brussels (ABC) phối hợp với EP và EIAS tổ chức với sự tham dự của hơn 200 khách mời, trong đó có đại diện EP, một số cơ quan của EU bao gồm Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS), Ủy ban châu Âu (EC), và các đại diện một số Đại sứ quán, trường đại học, tổ chức, viện nghiên cứu và doanh nghiệp tại Brussels.