Trong bài phát biểu, Thủ tướng Meloni đã trình bày chương trình nghị sự nhằm đối phó những thách thức bao gồm lạm phát tăng cao, khủng hoảng năng lượng và nguy cơ suy thoái ở nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trước khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ diễn ra tại Hạ viện vào tối cùng ngày.
Chương trình nghị sự đã đề ra các chính sách cho nhiệm kỳ 5 năm nhằm thực hiện hóa "các cam kết tranh cử" vừa qua. Trước đó, đảng Anh em Italy của bà Meloni đã giành được 26% phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 25/9, với lời hứa bảo vệ biên giới, các giá trị truyền thống và lợi ích quốc gia của Italy ở nước ngoài.
Bà Meloni dự kiến thực thi các chính sách kinh tế tương tự như của Thủ tướng Draghi, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Chương trình này cũng nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách hiện tại như cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng vọt và nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập, cũng như tiến hành các cải cách để Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục giải ngân Quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế Italy trong tương lai là gần 200 tỷ euro (197,31 tỷ USD) viện trợ không hoàn lại và các khoản cho vay từ quỹ phục hồi của EU. Tuy nhiên, số tiền này phụ thuộc vào việc Rome thực hiện các cải cách lớn, từ tư pháp đến hành chính công từ nay đến năm 2026. Thủ tướng Meloni muốn thương lượng lại kế hoạch với EU để phản ánh tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Liên quan vấn đề đối ngoại, Thủ tướng Meloni nêu rõ Italy là một phần của châu Âu và thế giới phương Tây. Bà khẳng định nước này sẽ tiếp tục là đối tác đáng tin cậy của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong vấn đề hỗ trợ Ukraine
Dự kiến vào ngày 26/10, Thủ tướng Meloni cũng sẽ trình bày chương trình nghị sự của chính phủ tại Thượng viện trước khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tương tự như tại Hạ viện được tổ chức. Các cuộc bỏ phiếu phần lớn mang tính thủ tục, vì liên minh của bà Meloni chiếm đa số ghế (60%) tại cả hai viện trong Quốc hội Italy.