Trong buổi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times ngày 14/10, ông Kishida cam kết sẽ đưa Nhật Bản theo một cách thức phát triển mới. Ông cho rằng đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) đã không thể tạo ra lực đẩy mới bằng Abenomics – một chính sách đã định hình kinh tế Nhật Bản gần một thập kỉ trở lại đây.
“Abenomics rõ ràng mang lại một số bước tiến về tăng trưởng GDP, thu nhập công ty và tạo việc làm. Nhưng chính sách này đã không tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín. Tôi muốn tạo ra một vòng tròn tuần hoàn kinh tế nhờ tăng thu nhập không chỉ cho một bộ phận nhóm nhỏ công ty, mà cho đại bộ phận dân chúng, qua đó kích thích tiêu dùng. Tôi tin rằng đây là chìa khóa để xác lập một hình thức tư bản chủ nghĩa mới khác biệt với những gì thực thi trong quá khứ”, ông Kishida nêu quan điểm.
Tại Nhật Bản, chủ nghĩa tự do mới (neoliberalism) là khái niệm thường được dùng để chỉ chương trình cải cách trong thập kỉ 1990 và 2000, tập trung vào giảm thiểu quy định, rào cản kinh doanh, đẩy mạnh tư nhân hóa, cải cách thị trường lao động, chứ không thiên về chính sách tài khóa thặt chặt, cắt giảm đầu tư công.
Với việc ngầm chỉ trích chính sách của ông Shinzo Abe - Thủ tướng nắm quyền lâu nhất tại Nhật Bản, ông Kishia đang mạo hiểm một cách có tính toán khi chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cửa vào ngày 31/10, sau quyết định giải tán Hạ viện được thông qua ngày 14/10. Nó diễn ra tại thời điểm tỉ lệ ủng hộ của dân chúng với tân Thủ tướng Nhật Bản hiện chỉ đạt trên 50%, thấp hơn so với những người tiền nhiệm khác tính ở thời điểm mới lên cầm quyền.
Ông Kishida nhấn mạnh chính sách kinh tế mới của ông – với các điểm nhấn về ưu đãi thuế cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tăng lương cho người lao động, tăng thu nhập cho nhân viên y tế, sẽ giúp đảo ngược thất bại của những lý thuyết về “hiệu ứng nhỏ giọt” (thẩm thấu thu nhập từ người giàu sang người lao động bình thường) cũng như những cải cách về thị trường dẫn dắt vốn là định hướng chủ đạo trong hoạch định chính sách ở Nhật Bản từ những năm giữa thập kỉ 2000.
Theo tân thủ tướng Nhật Bản, cải cách thể chế trong quá khứ có một số điểm tồn tại, thể hiện rõ qua việc xem xét, đánh giá về chủ nghĩa nguyên lý thị trường, cạnh tranh và sinh tồn doanh nghiệp. Ông đồng thời kêu gọi các công ty, doanh nghiệp cùng công chúng Nhật Bản chia sẻ một tầm nhìn toàn diện hơn về kinh tế.
Thủ tướng Kishida cũng vạch ra đường hướng hợp tác sâu rộng hơn giữa nhà nước với khu vực tư nhân để duy trì, bảo vệ tài sản và công nghệ chiến lược, như chip bán dẫn hay đất hiếm vốn được coi là cốt yếu với an ninh kinh tế. “Điều quan trọng là phải bảo đảm duy trì được một nền kinh tế tự cường khi hướng đến phát triển trong tương lai. Chúng ta phải chắc rằng Nhật Bản có được các công nghệ thiết yếu đối với chuỗi cung ứng toàn cầu để từ đó xác lập được vai trò không thể thiếu” – ông Kishida nói.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng lần đầu tiên công khai ý định về cải cách quản trị doanh nghiệp vốn được coi là trụ cột trong chương trình Abenomics bên cạnh chính sách nới lỏng tài chính và sử dụng các gói kích thích tài khóa. Nhật Bản lần đầu tiên thông qua Bộ luật quản trị doanh nghiệp vào năm 2015. Nhưng ông Kishida cho rằng có thể cần tới một bộ luật khác, độc lập nhằm hỗ trợ nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi việc áp dụng chung một quy định là không thực tế, các công ty nhỏ không thể thực hiện quản trị công ty như các doanh nghiệp lớn.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp ngầm bày tỏ nghi ngờ đối với chương trình nghị sự kinh tế của tân Thủ tướng Nhật Bản. Họ lấy dẫn chứng về việc Nhật Bản đã thất bại ra sao trong việc thoát khỏi tình trạng giảm phát cũng như mở cửa điều tiết thị trường có phần rời rạc ngay cả khi chính sách Abenomics nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, công chúng trong nước.
Ông Kishida cũng sẽ phải đối diện với môi trường địa chính trị phức tạp hơn nhiều so với những người tiền nhiệm, với một Trung Quốc hành xử ngày một mạnh mẽ, cùng với đó là việc các nước gấp rút chạy đua tìm kiểm bảo đảm chuỗi cung ứng quốc gia sau những bất ổn mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Khi được hỏi về sáng kiến quan quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) mới được thiết lập, ông Kishida nói rằng Nhật Bản không có kế hoạch gia nhập khung hợp tác này. Nhưng ông cũng khẳng định Mỹ và các nước châu Âu cần phải quan tâm và can dự sâu hơn vào môi trường an ninh ở châu Á nếu muốn hướng đến ổn định tại khu vực trước ảnh hưởng ngày một lớn từ Trung Quốc.
“Trên mặt trận kinh tế, việc ổn định quan hệ với Trung Quốc là cần thiết. Nhưng ở cấp độ chính trị, Nhật Bản phải tỏ ra quyết đoán trước Trung Quốc”, tân Thủ tướng Nhật Bản nêu quan điểm khi đề cập đến quan hệ Trung-Nhật, cùng với đó là yêu cầu gia tăng chi tiêu cho quân sự, quốc phòng trong thời gian tới.