Cầu tàu trên được Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 3 vừa qua và được quân đội Mỹ xây dựng ở ngoài khơi Gaza. Cầu tàu bắt đầu hoạt động cách đây 2 tuần, ước tính tiêu tốn 320 triệu USD trong 90 ngày đầu và cần khoảng 1.000 quân nhân Mỹ làm nhiệm vụ xây dựng, vận hành và bảo trì. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh, cầu tàu này bị gãy mất một đoạn vào ngày 28/5 và sẽ được kéo tới cảng Ashdod ở Israel để sửa chữa. Thời gian sửa chữa sẽ mất hơn một tuần, sau đó cầu tàu sẽ được đưa về vị trí cũ ở ngoài khơi Gaza.
Trước đó cùng ngày, một số quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho hay cầu tàu này bị gãy có thể do thời tiết xấu.
Theo phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, từ khi cầu tàu này đi vào hoạt động tới nay đã phục vụ 137 chuyến xe tải chở hàng viện trợ, tương đương 900 tấn, cho Gaza.
Trong khi đó, hoạt động vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza bằng đường bộ cũng gặp nhiều khó khăn. Rafah, cửa khẩu chính để đưa hàng hóa viện trợ từ Ai Cập vào Gaza, đã bị đóng cửa kể từ khi lực lượng Israel nắm quyền kiểm soát khu vực cửa khẩu bên phía Gaza từ khoảng 3 tuần trước.
Cùng ngày, kênh truyền hình Al-Qahera News dẫn một nguồn tin cấp cao của Ai Cập nói rằng Cairo cam kết chỉ phối hợp với Palestine hoặc các bên quốc tế về vấn đề cửa khẩu Rafah. Nguồn tin nhấn mạnh Chính quyền Ai Cập sẽ không phối hợp với phía Israel liên quan cửa khẩu này.
Trước đó, ngày 16/5, các nguồn tin an ninh của Ai Cập cho biết nước này đã phản đối đề xuất của Israel về việc hai nước phối hợp mở cửa trở lại cửa khẩu Rafah cũng như cùng quản lý hoạt động vận chuyển hàng viện trợ qua cửa khẩu này trong tương lai. Quan ngại về những hậu quả an ninh có thể phát sinh, Ai Cập nhiều lần kêu gọi Israel mở tất cả các cửa khẩu đất liền giữa nước này với Dải Gaza để cho phép tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo và cứu trợ một cách đầy đủ, an toàn và không bị cản trở.