Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã đề xuất lệnh cấm đối với dầu thô và các sản phẩm tinh lọc của Nga như một phần của gói trừng phạt thứ sáu đang được EU thảo luận. Chủ tịch EC Ursual von der Leyen cho biết lệnh cấm vận dầu thô sẽ có hiệu lực sau sáu tháng và lệnh cấm vận sản phẩm tinh chế sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) do Nga dẫn đầu đã quyết định họ sẽ không tăng số lượng sản xuất dầu thô cho tháng 5. Cụ thể, OPEC+ kết thúc cuộc họp cấp bộ trưởng mới đây với cam kết tăng sản lượng bổ sung rất nhỏ. Quyết định này đồng nghĩa với việc không có thêm dầu đến châu Âu để thay thế các thùng dầu bị trừng phạt của Nga.
EU nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ Nga. Khoảng thời gian sáu tháng được cho là sẽ giúp các thành viên EU tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế. Tuy nhiên, OPEC + lại không có kế hoạch thúc đẩy sản xuất để giúp EU.
Theo báo cáo của Reuters về cuộc họp của OPEC gần đây nhất, các đại biểu tham dự đã “hoàn toàn tránh bất kỳ cuộc thảo luận nào về các lệnh trừng phạt đối với Nga và họ kết thúc cuộc đàm phán trong thời gian gần kỷ lục chỉ dưới 15 phút”.
Báo cáo dẫn lời người đứng đầu bộ phận quản lý hàng hóa tại ngân hàng Investec, ông Callum Macpherson, nhận định: "OPEC + tiếp tục coi đây là vấn đề do phương Tây tự tạo ra và không phải là vấn đề cung cấp cơ bản mà tổ chức này phải giải quyết".
Hồi tháng 3, Tổng thư ký OPEC, Mohammed Barkindo, cảnh báo rằng không có việc tăng sản lượng dự phòng trên thế giới để bù đắp cho lệnh cấm vận hoàn toàn đối với xuất khẩu dầu của Nga, trị giá khoảng 7 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm thô và tinh chế.
“Không có công suất nào trên thế giới vào thời điểm hiện tại có thể thay thế 7 triệu thùng dầu xuất khẩu của Nga”, ông Barkindo lặp lại quan điểm của mình trước cuộc họp OPEC +.
Tuy nhiên, vẫn có đủ lượng dầu thay thế hàng xuất khẩu của Nga sang EU trong chính OPEC. Theo ước tính của Rystad Energy được Reuters trích dẫn , Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq cùng có năng lực sản xuất dự phòng khoảng 4 triệu thùng/ngày.
Xét về nguồn cung, đây là một tin tốt đối với EU. Nhưng xét về giá cả, sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác. EU cũng nhận thức được rằng ngoài nguồn cung, họ cũng cần mua với giá cả tương đối phải chăng.
Trong tình huống này, Saudi Arabia, Iraq, Kuwait và UAE không có động lực để giảm giá. Ngược lại, họ muốn duy trì sản lượng khiêm tốn để hưởng lợi từ giá dầu tăng cao. Mặc dù các nước OPEC + từ chối thảo luận về vấn đề này, nhưng lệnh trừng phạt của EU đối với Nga dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất trong OPEC. Nó sẽ đẩy giá dầu và khí đốt lên cao, do đó tăng lợi nhuận của các nhà sản xuất.
EU muốn có 6 tháng để tìm các nhà cung cấp dầu thô thay thế trước khi ngừng nhập dầu của Nga. Đây cũng là khoảng thời gian mà Nga có thể tận dụng để chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á, điều mà Brussels không muốn nói đến, nhưng đó là vấn đề quan trọng.
Nếu không có OPEC hỗ trợ, EU có thể phải thông báo cho công dân của mình một tin xấu rằng xăng, dầu diesel và các mặt hàng được vận chuyển bằng các phương tiện động cơ đốt trong sẽ vẫn đắt đỏ kéo dài.