Trái tim của Paris
Với nhiều người dân Paris, địa điểm nổi tiếng này chính là trái tim của "kinh đô ánh sáng". Họ đã quá đỗi quen thuộc với hình ảnh hai tòa tháp mang phong cách kiến trúc Gothic kinh điển của nhà thờ vươn cao trên nền trời xanh thẳm, cao hơn hẳn những tòa nhà xunh quanh dọc sông Sein.
Đó là nhà thờ Thiên chúa giáo của các nhà thờ Thiên chúa giáo Pháp, chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng từ lễ cưới hoàng gia cho tới giây phút đăng quang của các hoàng đế.
Năm 1431, Vua Henry VI của nước Anh đã đăng quang làm Vua Pháp trong nhà thờ này. Napoleon I cũng được Giáo hoàng Pius VII làm lễ đăng quang tại đây.
Vua Scotland James V đã kết hôn với nàng Madeleine nước Pháp năm 1537 ở đây.
Ngày 24/8/1944, tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris đã vang lên, đánh dấu ngày nước Pháp được giải phóng khỏi tay Phát-xít Đức.
Lễ mi xa cầu nguyện cho các tổng thống Pháp như Charles de Gaulle và Francois Mitterrand đã được tổ chức tại Nhà thờ Đức Bà Paris.
Nhà thờ Đức Bà Paris trở nên bất tử trong nền văn hóa đại chúng nhờ đại thi hào Victor Hugo. Tiểu thuyết của ông sau này được chuyển thành phim hoạt hình, kịch...
Theo bình luận của tờ Vox, nếu nước Pháp mất Nhà thờ Đức Bà Paris, chúng ta sẽ mất không chỉ một nơi thiêng liêng, không chỉ một kho báu nghệ thuật và kiến trúc. Nhà thờ còn là biểu tượng của thành tựu nhân loại và hơn thế nữa, là biểu tượng của thành tựu xã hội. Nhà thờ không phải là công trình của một người nào, đó là của nhiều thế hệ.
Nhà thờ Đức Bà Paris đại diện cho những gì đẹp đẽ nhất mà con người có thể tạo ra nếu xét về lượng sức lao động, của cải, nguồn lực và thời gian mà con người đổ vào đó. Vẻ đẹp và sự nổi tiếng của công trình này đã vượt ra khỏi phạm vi Paris hay nước Pháp, đó thật sự là một biểu tượng văn hóa-nghệ thuật-tôn giáo của nhân loại.
Quá trình xây dựng
Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng theo ý muốn của Vua Louis VII, người muốn nó trở thành biểu tượng của sức mạnh văn hóa, trí tuệ, kinh tế và chính trị của Paris cả ở trong nước lẫn quốc tế.
Khi đó, thành phố Paris đã trở thành trung tâm quyền lực ở Pháp và cần một biểu tượng tôn giáo để xứng với vị thế mới.
Người ta đã kéo đổ một nhà thờ trung cổ nằm ở đầu phía Đông đảo Ile de la Cite (một trong hai đảo trên sông Seine) - khu vực được Vua Louis VII chọn để xây nhà thờ mới.
Phiến đá đầu tiên dài 130m, rộng 48m đã được đặt xuống năm 1163 để bắt đầu xây nhà thờ mới dưới sự hiện diện của Giáo hoàng Alexander III.
Tuy nhiên, mất tới 182 năm nhà thờ này mới hoàn thành. Quá trình xây dựng bắt đầu từ thế kỷ 12 và được hoàn thành vào thế kỷ 13, với rất nhiều công sức và của cải.
Hai tòa tháp chính ở mặt phía Tây cao 69m được xây đầu thế kỷ 12.
Tháp phía Bắc là nơi du khách có thể tiếp cận sau khi leo 387 bậc thang. Tháp phía Nam có 10 quả chuông của nhà thờ.
Một trong số những quả chuông nổi tiếng nhất có tên Emmanuel. Nó đã vang lên trong phần lớn sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp.
Ngoài ra, quả chuông cũng vang lên khi tòa tháp đôi ở New York đổ sập trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Đầu thế kỷ 19, nhà thờ bị hư hỏng nghiêm trọng trong Cách mạng Pháp. Nó được kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc phục chế.
Ngọn tháp trung tâm của Nhà thờ Đức Bà Paris được xây thêm trong giai đoạn phục hồi nhà thờ trong giai đoạn này.
Quá trình phục hồi diễn ra một phần nhờ thành công của tác phẩm nổi tiếng “Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo năm 1831.
Nhà thờ nổi tiếng toàn thế giới
Có rất nhiều lý do khiến Nhà thờ Đức Bà Paris 850 tuổi là địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi tới thăm Paris.
Theo kênh CNN, nhà thờ có thể chứa trên 6.000 người. Nhà thờ nổi tiếng với những cửa sổ kính khổng lồ cùng rất nhiều chi tiết kiến trúc nổi bật khác.
Du khách khắp thế giới đổ về thăm nhà thờ. Ông Yaron Yarimi, một chuyên gia về Paris làm cho một công ty du lịch ở New York nói với CNN: “Đó thực sự là một trong những nhà thờ Thiên chúa giáo thời Trung cổ quan trọng nhất và đẹp đến khó tin trên thế giới. Đây là một trong 5 khu vực được yêu cầu đi thăm nhiều nhất khi chúng tôi tổ chức chuyến du lịch tới Paris cho khách hàng. Thật là một bi kịch ngay trước mắt chúng tôi!”.