Theo kênh Al Jazeera, các trận động đất mạnh đã khiến các tòa nhà nhiều tầng đổ sập ở một số vùng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, khiến ít nhất 4.981 người thiệt mạng.
Hai đường đứt gãy chính dọc theo mảng Anatolian đã tạo ra một số trận động đất lớn. Trận động đất ban đầu có độ lớn 7,8 xảy ra vào sáng 6/2, sau đó là trận động đất độ lớn 7,6 vài giờ sau đó, có cùng cường độ với trận động đất đã khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng vào năm 1939 ở Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Một trận động đất độ lớn 7,4 đã xảy ra ở thành phố Izmit ở phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1999 khiến trên 17.000 người thiệt mạng.
Các chuyên gia cho biết một số yếu tố đã làm phức tạp thêm trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ông Mustafa Erdik, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Động đất và Quan sát Kandilli của Đại học Bogazici ở Istanbul, nói với Al Jazeera: “Một trong những lý do khiến số thương vong quá cao là do chất lượng kém của các tòa nhà”.
Kế hoạch Hành động và Chiến lược Động đất Quốc gia (PDF) của Thổ Nhĩ Kỳ cho giai đoạn 2012 đến 2023 đã nhấn mạnh rằng mức độ di cư ồ ạt và nhanh chóng trong những năm 1950 đã dẫn đến quá trình phát triển đô thị nhanh nhưng không được quản lý tốt, khiến các thành phố trở nên rất dễ bị tổn thương trước các hiểm họa tự nhiên.
Sau trận động đất năm 1999, các tổ chức của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải giảm thiểu rủi ro khi dễ nước này dễ xảy ra động đất. Năm sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật để thực thi kiểm tra thiết kế và kiểm tra xây dựng bắt buộc đối với tất cả tòa nhà.
Tuy nhiên, các tòa nhà được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế chống động đất vẫn chiếm số ít. Ông Erdik nói. “Những tòa nhà đã sập được xây từ trước năm 2000”.
Theo cơ quan thảm họa của nước này, hơn 5.600 tòa nhà trên khắp miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập.
Một lý do khác khiến con số thương vong cao là thời điểm trận động đất đầu tiên xảy ra là khi mọi người đang ngủ: lúc 4:17 sáng (giờ địa phương) và khiến nhiều người mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Hình ảnh truyền thông địa phương trực tiếp cho thấy nhiều tòa nhà sập ở thị trấn Malatya trong trận động đất lớn mới nhất.
Các tòa nhà hiện đại không phải là những tòa nhà duy nhất bị hư hỏng. Lâu đài Gaziantep có từ thời vương quốc Hittite và được mở rộng dưới thời Đế chế La Mã đã bị sập một phần.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp cấp độ 4, kêu gọi hỗ trợ quốc tế cũng như huy động toàn bộ lực lượng quốc gia.
Ông Chris Elders, Giáo sư Đại học Curtin của Australia, cho biết độ sâu của trận động đất ban đầu vào khoảng 18km cũng góp phần khiến nó trở nên đặc biệt nghiêm trọng.
Ông giải thích: “Ở độ sâu nhỏ, năng lượng do trận động đất giải phóng sẽ được cảm nhận khá gần bề mặt và cường độ lớn hơn nhiều so với khi nó ở sâu hơn trong lớp vỏ”.
Ông Naci Gorur, một nhà địa chấn học tại Học viện Khoa học Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi các quan chức địa phương ngay lập tức kiểm tra các vết nứt của các đập trong khu vực để ngăn chặn lũ lụt thảm khốc có thể xảy ra.
Video về hiện trường vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ (nguồn: AFP):
Còn ở Syria, các tòa nhà đã sập trên một dải dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài từ Aleppo và Hama đến thành phố Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ, cách hơn 330 km về phía Đông Bắc.
Các tổ chức nhân đạo lo ngại số người chết hiện tại ở Syria có thể tăng lên do các đội cứu hộ không được trang bị đầy đủ để ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Tanya Evans, Giám đốc Ủy ban Cứu hộ Quốc tế tại Syria, cho biết trận động đất là một đòn tàn phá khác đối với rất nhiều nhóm dân cư dễ bị tổn thương vốn đang phải chật vật sau nhiều năm xung đột.
Các báo cáo ban đầu tại hiện trường chỉ ra rằng động đất đã tàn phá những khu vực có nhiều gia đình phải di dời và dễ bị tổn thương đang sinh sống trong cảnh bão tuyết và nhiệt độ giảm mạnh.