Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả cuộc khảo sát hằng tháng của Viện kinh tế Đức (Ifo), dựa trên số liệu thống kê của khoảng 9.000 công ty, cho biết niềm tin kinh doanh tại Đức đạt 86,3 điểm, tăng tháng thứ hai liên tiếp sau khi ghi nhận mức 84,5 điểm vào tháng 10. Trước đó, niềm tin giới kinh doanh đã giảm 4 tháng liên tiếp đến tháng 9/2022.
Chủ tịch Ifo - Clemens Fuest nhận định: “Tâm lý trong nền kinh tế Đức đã cải thiện. Sự bi quan trong những tháng tới giảm mạnh và suy thoái kinh tế có thể ít nghiêm trọng hơn so với nhiều dự đoán trước đó”.
Đức đang phải đối mặt với lạm phát tăng chóng mặt, khi giá tiêu dùng tăng tới 10,4% trong tháng 10 do chi phí năng lượng cao sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine. Chính phủ Đức dự báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm 0,4% vào năm 2023, với lạm phát vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, những hy vọng về triển vọng kinh tế tích cực hơn đang ngày một tăng khi các biện pháp cứu trợ của chính phủ, trong đó phải kể đến gói hỗ trợ 200 tỷ euro để bảo vệ các công ty và người dân trong bối cảnh lạm phát cao, đang phát huy hiệu quả và kéo giá cả đi xuống.
Cùng với những tín hiệu tích cực này, việc Chính phủ Đức thông báo các cơ sở dự trữ khí đốt của nước này đã đạt 100% công suất chứa từ đầu tháng này, đã làm giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt trong mùa đông.
Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của ngân hàng ING cho biết cuộc khảo sát của Ifo càng làm tăng thêm những “tia hy vọng” gần đây rằng nền kinh tế Đức có thể tránh được suy giảm trong mùa đông. Ông Brzeski cho rằng gói cứu trợ 200 triệu của chính phủ đủ lớn để giảm bớt sự sụt giảm của nền kinh tế và giảm mức độ nghiêm trọng của cuộc suy thoái có thể xảy ra vào mùa đông. Mặc dù vậy, ông Brzeski thừa nhận rằng gói kích thích kinh tế của chính phủ đến quá muộn để có thể ngăn chặn được nền kinh tế suy thoái trong quý IV/2022.
Trước đó, đầu tháng 11, cuộc khảo sát của viện ZEW cũng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đã tăng lên trong tháng thứ hai liên tiếp.