Theo kênh RT (Nga) ngày 16/12, Sudan có kế hoạch ký kết các thỏa thuận liên quan đến công nghiệp, thương mại và dầu mỏ, lựa chọn các công ty Nga thay thế cho các công ty phương Tây. Các thỏa thuận được cho là liên quan đến việc thăm dò hơn 20 giếng dầu ở các khu vực được coi là an toàn trước cuộc chiến đang diễn ra ở quốc gia này kể từ tháng 4/2023.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Al-Araby Al-Jadeed, Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí Sudan Mohi-Eddin Naeem Mohamed Saeed tiết lộ rằng nước này đã hoàn tất các thỏa thuận đầu tư về năng lượng và dầu mỏ với Nga, tập trung vào các khu vực an toàn bao gồm khu vực Biển Đỏ và miền Tây Sudan.
Ông Saeed cho biết hai bên đã đề ra một loạt dự án, bao gồm việc tăng cường sản xuất năng lượng từ thủy điện và nhiệt điện tại đập Merowe. Ngoài ra, kế hoạch cũng bao gồm việc cải thiện các hồ chứa Roseires và Sennar.
Các thoả thuận trên còn cho phép các hãng dầu khí của Nga đến Sudan để bắt đầu thăm dò khí đốt ở phía Đông nước này, đặc biệt là quanh khu vực Biển Đỏ. Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí Sudan nhấn mạnh rằng sự tham gia của Nga trong khu vực này là do công nghệ tiên tiến mà họ sở hữu trong lĩnh vực khí đốt.
Theo thông tin từ hãng thông tấn Al-Araby Al-Jadeed, Sudan đã chính thức đề nghị Nga thăm dò 22 mỏ dầu, trong đó có sự tham gia của các công ty năng lượng lớn của Nga như Rosneft và Gazprom.
Trong bối cảnh này, Sudan cũng đã ký một thỏa thuận với công ty Power Machines của Nga để nâng cấp cơ sở hạ tầng thủy điện. Thỏa thuận này bao gồm việc cung cấp tua bin mới cho nhà máy thủy điện Merowe và hiện đại hóa các cơ sở tại Roseires, Sennar và Setit.
Hiện tại, thủy điện chiếm đến 70% sản lượng điện của Sudan và việc nâng cấp này nhằm mục đích tăng cường sản lượng điện trên toàn quốc.
Tuy nhiên, tình hình tại Sudan đang rất căng thẳng. Kể từ giữa tháng 4/2023, quốc gia này đã chìm trong xung đột giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).
Cuộc xung đột này bắt nguồn từ những bất đồng về kế hoạch chuyển đổi sang chế độ dân sự. Giao tranh ban đầu diễn ra ở thủ đô Khartoum nhưng đã nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc, dẫn đến cuộc khủng hoảng di tản lớn nhất trên toàn cầu theo mô tả của Liên hợp quốc.
Báo cáo gần đây của Liên hợp quốc chỉ ra rằng hàng triệu người dân đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính, đặc biệt là 4,7 triệu trẻ em dưới năm tuổi, phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú.
Có thể thấy, việc hợp tác giữa Nga và Sudan trong lĩnh vực năng lượng diễn ra trong bối cảnh xung đột kéo dài và những thách thức kinh tế nghiêm trọng mà nước này đang phải đối mặt. Trong khi các thỏa thuận năng lượng được kỳ vọng giúp Sudan tìm kiếm nguồn thu nhập mới và mở ra cơ hội cho Nga tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Đông Bắc Phi, tình hình an ninh bất ổn có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các dự án này trong tương lai.