Sự thận trọng cần thiết

Hai bang lớn nhất của Australia với khoảng 12 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số nước này, đang trải qua tình trạng phong tỏa để phòng chống sự lây lan của biến thể Delta, trong khi chính phủ liên bang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bang New South Wales (NSW) ngày 19/7 tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng ở mức cao là 97. Bang lớn nhất Australia này đã áp dụng lệnh phong tỏa khu vực thành phố Sydney và một số vùng lân cận với hơn 5 triệu dân được hơn 3 tuần, dự kiến kéo dài tới ngày 30/7.

Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian cho biết chính quyền đang "làm mọi việc có thể” để ngăn chặn sự bùng phát của ổ dịch do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh gây ra.

Kể từ khi phát hiện trường hợp mắc đầu tiên trong đợt dịch mới này vào ngày 16/6, tổng số ca nhiễm ở bang NSW hiện đã vượt con số 1.200 ca, trong đó ngày 12/7 ghi nhận số ca mắc cao nhất cao nhất kể từ đầu năm đến nay là 112. Nhiều cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã đóng cửa, học sinh phải ở nhà và người dân chỉ được ra ngoài khi cần thiết. Chính quyền cũng siết chặt quy định giãn cách xã hội, bắt buộc đeo khẩu trang nơi đông người, hạn chế hội họp đông người tại nhà riêng...

Ngày 19/7, bang Victoria công bố thêm 12 ca nhiễm mới trong cộng đồng và Thủ hiến bang Daniel Andrews xác nhận lệnh phong tỏa 5 ngày trên khắp bang cần phải kéo dài thêm sau ngày 20/7. Ông Daniel không đưa ra thời gian cụ thể cho việc dỡ bỏ, song khẳng định quyết định phong tỏa nhanh chóng, với nhiều biện pháp còn nghiêm ngặt hơn ở bang NSW lân cận, đã đem lại kết quả tích cực, giúp tránh được hàng nghìn ca nhiễm mới.

Cũng trong ngày 19/7, giới chức bang Nam Australia thông báo siết chặt các hạn chế phòng chống dich COVID-19 lên cấp độ 4, chỉ thấp hơn lệnh phong tỏa một cấp, trên toàn bộ bang từ đêm cùng ngày sau khi ghi nhận 3 trường hợp nhiễm trong cộng đồng. Thủ hiến bang Nam Australia Steven Marshall bày tỏ quan ngại về diễn biến dịch bệnh, đồng thời cho biết mặc dù không mong muốn, nhưng vẫn phải đưa ra quyết định trên trước khi quá muộn. 

Những diễn biến trên cho thấy các bang ở Australia đang áp dụng cách tiếp cận thận trọng để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng ở quốc gia này đã đạt những tiến triển đáng kể, song vẫn chưa đủ để có thể tạo miễn dịch cộng đồng. Theo số liệu mới nhất của Chính phủ Australia, chiến dịch tiêm chủng của nước này đã vượt mốc 10 triệu liều sau 5 tháng triển khai. Hơn 7,2 triệu người Australia trên 16 tuổi, chiếm 35,3% dân số đủ điều kiện, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi mới chỉ là 13,7%, còn quá thấp so với mục tiêu 70%-80% được nhiều chuyên gia y tế nêu ra để có thể đạt miễn dịch cộng đồng.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho người dân tại Melbourne, Australia ngày 7/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ý kiến của các chuyên gia y tế, trong khi chưa đạt được mục tiêu tiêm chủng đại trà, phong tỏa là cách thức duy nhất để hạn chế sự bùng phát nghiêm trọng của các ổ dịch COVID-19, nhất là khi các biến thể nguy hiểm như Delta liên tục xuất hiện.

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia Omar Khorshid cho rằng trong khi chờ có đủ vaccine cho toàn bộ cộng đồng ở thành phố Sydney, lựa chọn duy nhất hiện nay là kiểm soát được sự lây lan của virus. Vì vậy, thành phố Sydney có thể sẽ đối mặt với tình trạng phong tỏa “vô thời hạn” cho đến khi số ca bệnh giảm xuống. Theo Tiến sĩ Khorshid, thành phố Sydney đang xem xét khả năng chung sống với những hạn chế phòng dịch cho đến khi mọi người dân được tiêm chủng.

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Khorsid, Giám đốc y tế bang New South Wales Brett Sutton lưu ý mô hình đang được các cơ quan y tế xem xét cho thấy các ca COVID-19 có thể sẽ tồn tại ở đây trong vài tháng tới và chưa có gì để đảm bảo một chiến thắng hoàn toàn trước biến thể Delta. Ông Peter Collignon, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), cảnh báo nước này đang bước vào "thời điểm nguy hiểm cao" của dịch COVID-19. Theo vị giáo sư này, COVID-19 khó kiểm soát hơn vào mùa Đông, trong khi Australia ở trong điều kiện không giống với các quốc gia khác như Anh và Mỹ, nơi đã đạt được mức độ miễn dịch tự nhiên với hàng trăm nghìn người đã mắc và khỏi bệnh trong hơn một năm qua.

Giáo sư Raina MacIntyre, người đứng đầu Chương trình An ninh sinh học tại Viện Kirby, nhận định trong tình huống dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát và dân số không được tiêm phòng, phong tỏa là biện pháp duy nhất có thể áp dụng và mang lại kết quả. Trong khi Chính phủ Australia vẫn chưa công bố ngưỡng tiêm chủng cần đạt được dựa trên các căn cứ khoa học, hầu hết các chuyên gia y tế đồng ý rằng ngưỡng này sẽ vào khoảng 70% - 80% dân số trưởng thành được tiêm phòng đầy đủ. Ông MacIntyre cho biết thêm, vào năm ngoái, con số này được tính toán ở mức 66%, nhưng biến thể Delta đã đẩy ngưỡng này lên cao hơn. 

Theo Giáo sư Collignon, ngưỡng tiêm chủng trên có thể đạt được vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay, nếu chương trình tiêm chủng đạt tốc độ khoảng một triệu mũi tiêm/tuần hoặc cao hơn khi có đủ vaccine. Ông nhấn mạnh, chìa khóa của vấn đề này là vaccine. Vaccine giúp làm giảm sự lây nhiễm, và quan trọng hơn, làm giảm hậu quả của bất kỳ sự lây nhiễm nào. Tuy nhiên, bảo đảm nguồn cung vaccine vẫn là vấn đề đối với Australia và từ nay tới tháng 10, nhiều khả năng các bang của nước này vẫn lựa chọn biện pháp phong tỏa để chống dịch. 

Trên thực tế, nhà chức trách Australia cũng lường trước những thiệt hại về kinh tế khi áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như phong tỏa. Theo tính toán của các chuyên gia, lệnh phong tỏa thành phố Sydney và một số vùng thuộc bang New South Wales của Australia trong vòng hai tuần có khả năng “thổi bay” hơn 2 tỷ AUD (tương đương 1,56 tỷ USD) từ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này, bởi các khu vực bị phong tỏa tại bang New South Wales bao gồm khoảng 6,6 triệu người và chiếm khoảng 25% GDP của Australia. Ước tính hoạt động kinh tế tại bang New South Wales sẽ bị sụt giảm 143 triệu AUD mỗi ngày trong thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Shane Oliver của Tập đoàn AMP Capital nhận định việc sớm áp dụng các đợt phong tỏa ngắn là quyết định hoàn toàn đúng đắn, vì chúng sẽ gây ít tổn hại hơn cho nền kinh tế và ngăn chặn các tác động tiêu cực lâu dài nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát.

Để giúp đỡ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, bang New South Wales cũng công bố một gói hỗ trợ tài chính mới. Trong khi đó, Chính phủ Australia cũng đang tích cực kích hoạt chương trình hỗ trợ thu nhập cho người dân tại các điểm nóng của dịch bệnh, với các khoản thanh toán bắt đầu được triển khai từ ngày 1/7. Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình triển khai tiêm chủng.

Khi quyết định tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch, Thủ hiến bang NSW Berejiklian đã chia sẻ tâm lý căng thẳng của người dân khi phải sống trong lệnh phong tỏa, song nhấn mạnh "công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho cộng đồng". Đối với Australia, quyết định thận trọng này là hết sức khó khăn, song cần thiết để kiểm soát đại dịch, bảo đảm sức khỏe và sinh mạng cho người dân.

Nguyễn Minh (PV TTXVN tại Australia)
Kéo dài lệnh phong tỏa chống dịch tại bang Victoria, Australia
Kéo dài lệnh phong tỏa chống dịch tại bang Victoria, Australia

Nhà chức trách Australia ngày 19/7 thông báo bang Victoria của nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa chống dịch qua thời hạn chót ngày 20/7, mặc dù số ca mắc mới giảm nhẹ trong bối cảnh 2 thành phố lớn nhất Australia nỗ lực ngăn chặn tốc độ lây lan của biến thể Delta.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN