Số liệu của ABS cho thấy 73% số người được hỏi cho biết họ sẽ đi tiêm chủng khi có vaccine, tăng 5% so với một tháng trước.
Tỷ lệ nam giới sẵn sàng đi tiêm chủng là 78%, cao hơn so với nữ giới, với tỷ lệ 69%, trong khi các nhóm cao tuổi hơn cũng có tỷ lệ ủng hộ tiêm chủng cao hơn.
Mặt khác, mối quan tâm về các tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine giảm mạnh 12% so với số liệu của tháng 5, từ 64% xuống 52%, mặc dù mối quan tâm về hiệu quả của việc tiêm chủng chỉ giảm nhẹ từ 15% xuống 12%.
Về lý do đi tiêm chủng, 79% số người được hỏi nói rằng họ muốn tránh các triệu chứng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19 và 24% cho biết động lực để đi tiêm chủng là muốn được đi du lịch trở lại.
Trong số 11% người không muốn đi tiêm chủng, hơn một nửa nói rằng họ lo ngại về các tác dụng phụ tiềm ẩn và 15% nghi ngờ về tính hiệu quả của vaccine.
Cũng theo kết quả khảo sát, mặc dù chương trình tiêm chủng ở Australia không được suôn sẻ do gặp vấn đề về nguồn cung và khuyến cáo về tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca, khoảng 90% người đã đi tiêm liều vaccine đầu tiên cho biết việc đi tiêm chủng là rất thuận lợi hoặc khá thuận lợi.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết các số liệu khảo sát cho thấy sự tin tưởng ngày càng tăng của người dân vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Chương trình tiêm chủng ở Australia đang tăng tốc mạnh mẽ và đó là nhờ người dân nhận thức được rằng tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Ông nhấn mạnh đi tiêm chủng càng sớm càng tốt cũng là góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch.