Ngày 14/7, ông Rajapaksa đã đến Singapore và thông báo từ chức, trở thành Tổng thống đầu tiên của Sri Lanka không thể tại vị hết nhiệm kỳ. Ông dự kiến sẽ rời Singapore và đến thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 11/8. Bộ Ngoại giao Sri Lanka chưa bình luận gì về thông tin này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, Tanee Sangrat cho biết ông Rajapaksa đang sử dụng hộ chiếu ngoại giao, cho phép ông nhập cảnh Thái Lan trong 90 ngày. Tuy nhiên, quan chức này không nói rõ khi nào ông Rajapaksa sẽ đến Thái Lan.
Theo người phát ngôn trên, việc nhập cảnh Thái Lan của cựu Tổng thống Sri Lanka “chỉ là tạm trú” và “phía Sri Lanka đã thông báo rằng cựu Tổng thống không có ý định tị nạn chính trị ở Thái Lan và sẽ chuyển sang một quốc gia khác”. Trước đó, Chính phủ Singapore cho biết nước này không trao cho ông Rajapaksa đặc quyền hay quyền miễn trừ nào.
Ông Rajapaksa chưa xuất hiện trước công chúng cũng như không bình luận gì kể từ khi rời khỏi Sri Lanka. Người kế nhiệm ông Rajapaksa, Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã từng gợi ý rằng cựu Tổng thống có thể tạm thời chưa nên trở về Sri Lanka trong thời gian tới. Các chuyên gia pháp lý cho biết nếu ông trở về, ông có thể không được miễn trừ truy tố nếu có bất cứ khiếu kiện nào chống lại ông.
Sri Lanka đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập cách đây 74 năm. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra trong những tuần gần đây khi nước này rơi vào tình trạng thiếu lương thực, giá nhiên liệu tăng vọt và cắt điện trên diện rộng. Các quan chức Sri Lanka đang đàm phán với phái đoàn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về gói cứu trợ 3 tỷ USD cho quốc gia Nam Á này.