Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Ấn Độ từng tổ chức hội nghị trực tuyến cấp cao với Sri Lanka vào ngày 26/9. Nhật Bản sau đó cũng đối thoại về an ninh hàng hải, các vấn đề biển với Sri Lanka vào ngày 1/10.
Đến 9/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ban công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - ông Dương Khiết Trì đã đến Colombo gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Sau chuyến thăm này, Trung Quốc đồng ý khoản trợ cấp 90 triệu USD cho Sri Lanka dành cho y tế, giáo dục và nước sạch cho vùng nông thôn nước này.
Nhà phân tích chính trị Sri Lanka bà Malinda Seneviratne cho rằng Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đều có chung quan ngại rằng chính quyền đương nhiệm của Sri Lanka đang theo chiều hướng “ủng hộ Trung Quốc”.
Trong chuyến thăm Sri Lanka lần này, Ngoại trưởng Pompeo dự định bàn luận về Quỹ Thách thức Thiên niên kỷ (MCC) với 480 triệu USD hỗ trợ Sri Lanka phát triển kinh tế, Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA) cùng Tình trạng của lực lượng thỏa thuận (SOFA) đều tạo điều kiện để quân đội Mỹ tiếp cận với chiến dịch tại Sri Lanka.
Ông George Cooke tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Bandaranaike ở Colombo đề cập đến chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo và nhận xét: “Đây chính là điều Sri Lanka cần”.Theo ông Cooke, Sri Lanka đã trải qua nhiều thập niên xung đột và chịu sức ép từ quốc tế để chấm dứt xích mích với người dân tộc thiểu số Tamil.
Nền kinh tế Sri Lanka đã chịu nhiều ảnh hưởng do nội chiến trong giai đoạn 1983-2009 nay lại đối mặt thêm nhiều biến động do hàng loạt vụ đánh bom ngày lễ Phục Sinh năm 2019 khiến trên 277 người thiệt mạng và nay là dịch COVID-19. Do vậy, các chuyên gia nhận định rằng Sri Lanka đang rất cần đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.
Ngày 26/10, đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka chỉ trích chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo và cho rằng mục đích của sự kiện này là “can thiệp vào quan hệ Bắc Kinh-Colombo”. Cơ quan này còn cho rằng chuyến thăm 24 giờ của ông Pompeo tạo gánh nặng cho Sri Lanka vốn đang trong dịch COVID-19.
Trước đó, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Dean Thompson đã đề cập đến đầu tư của Trung Quốc tại Sri Lanka đồng thời nói: “Chúng tôi khuyến khích Sri Lanka đưa ra quyết định khó khăn nhưng cần thiết để đảm bảo độc lập kinh tế vì thịnh vượng dài hạn và Mỹ sẵn sàng là đối tác để Sri Lanka phát triển kinh tế”. Đại sứ quán Trung Quốc đã phản đối phát biểu của ông Dean Thompson và cho rằng đây là vi phạm nghi thức ngoại giao.
Năm 2017, Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm với giá 1,1 tỷ USD. Chính phủ Sri Lanka dùng chính khoản tiền này để trả khoản vay Trung Quốc vốn dùng cho thi công cảng Hambantota. Viện nghiên cứu Gateway House tại Mumbai cho rằng Trung Quốc giữ vai trò là nguồn cho vay, hỗ trợ phát triển và đầu tư trực tiếp hàng đầu vào Sri Lanka từ 2005-2015.
Mối quan hệ Mỹ- Sri Lanka trong những năm gần đây cũng có thăng trầm khi Colombo ngần ngại việc Mỹ tăng cường hiện diện và bất đồng về vấn đề nhân quyền. Tháng 6/2019, Ngoại trưởng Pompeo phải hủy chuyến thăm tới Sri Lanka do người dân nước này biểu tình phản đối ký kết ACSA và SOFA bởi cho rằng những thỏa thuận này tạo điều kiện để quân đội Mỹ dễ dàng hoạt động ở Sri Lanka. Mỹ sau đó áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tư lệnh quân đội Sri Lanka Shavendra Silva vào tháng 2/2020 kèm cáo buộc ông này vi phạm nhân quyền trong xung đột với lực lượng Những Con hổ giải phóng Tamil (LTTE).
Nhưng quá trình sự phục hồi quan hệ đang diễn ra. Bộ Ngoại giao Mỹ trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo có thông báo hai quốc gia “chia sẻ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và vì một Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Sri Lanka, với tổng số hàng hóa trị giá lên tới 3 tỷ USD. Gần đây, Mỹ hỗ trợ 5 triệu USD cho Sri Lanka chống dịch COVID-19.
Nhà phân tích quốc phòng James R. Holmes và ông J.C. Wylie tại Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ đánh giá rằng Mỹ có nhiều lý do để tăng cường quan hệ với Sri Lanka. Ông Holmes phân tích rằng Mỹ muốn tăng cường lực lượng ở Ấn Độ Dương để củng cố chiến lược hàng hải cạnh tranh với Trung Quốc.