“Tương lai, món mì ống ngày càng đóng vai trò quan trọng và là lương thực chính đối với đời sống con người”. Đó là nhận định của ông Paolo Barilla, Chủ tịch hiệp hội công nghiệp sản xuất các món tráng miệng và mì ống của Italia - AIDEPI tại lễ kỷ niệm ngày mì ống thế giới 25/10. Hiện các món được chế biến từ lúa mì là loại lương thực được ưu thích tại 50 quốc gia trên thế giới.
Ảnh minh họa, nguồn Internet |
Cũng theo số liệu từ AIDEPI, công nghiệp sản xuất mì ống Italia giành được vị trí hàng đầu trên thế giới. Trung bình, một trong bốn đĩa mì ống được tiêu thụ trên thế giới là do người Italy sản xuất, còn ở châu Âu là 7/10. Đức nhập khẩu 19.3% tổng sản lượng các sản phẩm được chế biến từ mì ống của Italia.
Tuy nhiên đối với thị trường mới nổi mức tiêu thụ loại sản phẩm này cũng rất lớn, tại Nga, các sản phẩm chế biến từ mì ống tiêu thụ đã gia tăng 53.9% so với năm 2009; 61% với Trung Quốc; 36% đối với Ấn Độ và Arập Xêút chứng kiếm sự tăng vọt nhập khẩu mì ống của Italia với 135.6% trong năm 2010.
Italia là nước dẫn đầu danh sách những quốc gia tiêu thụ mì ống, với 26 kg bình quân/người/năm, Vênêxuêla là 13 kg và Tuynidi là 11,9 kg. Trường hợp đặc biệt như Thụy Điển đã trở thành quốc gia tiêu thụ lớn thứ sáu với 9 kg/người/ năm, tăng 63% so với năm 1998. Trong những năm gần đây, số lượng mỳ ống được người Đức tiêu thụ cũng nhiều hơn, tăng từ 3,5 kg/người năm 1972 lên 7,9 kg trong năm 2010.
Phạm Thành (P/v TTXVN tại Italia)