Theo tờ Straits Times, hai sĩ quan hải quân cấp cao của Indonesia cho biết sự chuyển động mạnh của một đợt sóng ngầm ở khu vực tàu ngầm KRI Nanggala 402 diễn tập sáng ngày 21/4 có thể đã khiến con tàu bị chìm. Hai quan chức tiết lộ hình ảnh vệ tinh thời tiết Himawari 8 của Nhật Bản và châu Âu đã xác nhận sự hiện diện của đợt sóng ngầm này gần vị trí của KRI Nanggala 402, trùng thời điểm con tàu mất tích.
"Nếu gặp sóng ngầm, chúng ta sẽ bị kéo và nhấn chìm nhanh chóng. Không ai có thể chống cự lại thiên nhiên”, Chuẩn Đô đốc Hải quân Indonesia, Iwan Isnurwanto, nói trong một cuộc họp báo với giới truyền thông ở Jakarta hôm 27/4.
Ông giải thích rằng sự chênh lệch lớn về khối lượng riêng của vùng nước ở eo biển Lombok và vùng nước sâu hơn nhiều ở phía bắc Bali, nơi xác tàu ngầm KRI Nanggala-402 được tìm thấy, có khả năng đã tạo nên “một chuyển động lớn”, đủ mạnh để kéo tàu ngầm xuống trong vài giây.
"Hãy thử hình dung khoảng 2 triệu đến 4 triệu m3 khối nước đổ ập vào, liệu ai có thể chống cự được. Tàu KRI Nanggala 402 đã lặn xuống độ sâu 13m và có thể đã gặp phải hiện tượng sóng ngầm này. Một cuộc điều tra đang được tiến hành và sẽ mất một khoảng thời gian. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia về tàu ngầm từ cả trong nước và quốc tế tham gia", Chuẩn Đô đốc Iwan nói.
Tàu ngầm 44 tuổi của Hải quân Indonesia gặp nạn sáng 21/4 sau khi xin phép lặn diễn tập phóng ngư lôi ngoài khơi Bali, nhưng sau đó đã bị mất liên lạc. Sau nỗ lực tìm kiếm quy mô lớn với sự hỗ trợ của quốc tế, Indonesia phát hiện xác con tàu ở độ sâu 838m, tại vị trí không xa nơi con tàu đã lặn xuống hôm 25/4. Toàn bộ 53 thủy thủ trên tàu đều được xác nhận đã thiệt mạng.
Giới chức Hải quân Indonesia đã loại bỏ giả thuyết về việc tàu ngầm KRI Nanggala 402 bị chìm vì bảo dưỡng kém, sai sót của con người hoặc bị tàu nước ngoài bắn trúng.
Trước đó, người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono nói rằng con tàu có thể đã gặp sự cố mất điện và chìm xuống độ sâu khoảng 600m - 700m, vượt quá giới hạn tối đa 500m mà con tàu có thể chống chịu, do vậy con tàu bị nứt vỡ làm nhiều mảnh do áp suất của nước.
Họ cho biết sự cố mất điện có thể xảy ra trong quá trình lặn tĩnh có thể đã khiến tàu ngầm mất kiểm soát và khiến nó không thể thực hiện các quy trình khẩn cấp.
Hải quân Indonesia đang xem xét những phương án khác nhau để trục vớt tàu ngầm Nanggala bị chìm lên mặt nước. Tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue của Singapore hôm 27/4 đã tới hỗ trợ trục vớt tàu ngầm.
"Chúng tôi đang tập trung vào việc trục vớt những thiết bị nhỏ hơn, vì phương tiện hoạt động dưới nước từ xa được triển khai chỉ có khả năng trục vớt vật liệu nặng tới 150kg. Việc tìm phương án trục vớt những thiết bị nặng hơn vẫn đang được thực hiện”, Chuẩn đô đốc Muhammad Ali, Phó Tham mưu trưởng lực lượng hải quân Indonesia, nói.
Trong khi đó, gia đình những thủy thủ thiệt mạng trong vụ chìm tàu đang kêu gọi cơ quan chức năng tìm kiếm thi thể người thân của họ.
Ông Wahyudi, 52 tuổi, cha của thủy thủ 22 tuổi Pandu Yudha Kusuma, chia sẻ: “Chúng tôi hiểu rằng điều đó có thể mất thời gian. Nhưng gia đình, cha mẹ và vợ con của các thủy thủ muốn có cơ hội gặp họ lần cuối".
Ông Wahyudi, một sĩ quan quân đội, cho biết giữa nỗi đau mất con, ông cũng rất tự hào về con trai mình.
"Đây là niềm tự hào cuối cùng mà con tôi thể hiện với cha mẹ. Nó đã qua đời trong khi thực hiện nhiệm vụ nhà nước và trở thành một anh hùng", ông nói và cho biết thêm con trai ông đã hiểu rất rõ những rủi ro khi trở thành một thủy thủ tàu ngầm.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự kiến sẽ trao tiền bồi thường cho gia đình các thủy thủ tàu ngầm tại căn cứ Không quân Hải quân Juanda ở Surabaya vào ngày 29/4.