Brazil tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực do đại dịch khi ghi nhận tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ 3 thế giới với 4.162.073 ca và số ca tử vong cao thứ hai toàn cầu với 127.464 ca.
Tuy nhiên, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), với tỷ lệ 93,28 ca tử vong trên 100.000 dân, Peru hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Canada, Ontario - tỉnh bang đông dân nhất nước này, đã quyết định tạm ngừng nới lỏng thêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong khoảng 4 tuần do số ca nhiễm mới tại đây đang có chiều hướng gia tăng.
Bộ trưởng Y tế bang Ontario, Christine Elliott, đã bày tỏ lo ngại về chiều hướng trên, đặc biệt vào thời điểm các trường học tại Canada bắt đầu mở cửa trở lại. Bà nhấn mạnh quyết định mới nhất của nhà chức trách sẽ giúp bang Ontario tránh phải phong tỏa trên diện rộng.
Riêng trong ngày 8/9, tỉnh bang Ontario có thêm 185 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, sau khi ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 cao nhất kể từ ngày 24/7 (190 ca hôm 7/9).
Ở bờ Tây, tỉnh British Columbia đã yêu cầu các câu lạc bộ giải trí ban đêm và các địa điểm tổ chức tiệc lớn phải đóng cửa trở lại do giới chức y tế địa phương xác định các cơ sở này là một trong những nguồn lây bệnh chính. Như vậy, British Columbia đã trở thành tỉnh đầu tiên của Canada rút lại một số biện pháp nới lỏng, trong bối cảnh kể từ ngày 4/9 đến nay, địa phương này ghi nhận thêm 429 ca nhiễm mới.
Tính trên toàn lãnh thổ Canada, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hiện đã lên tới 133.748, trong đó có 9.153 ca tử vong.
* Cùng ngày, Chính phủ Mexico cho rằng kế hoạch của khu vực Mỹ Latinh tiêm vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca sản xuất có thể sẽ thất bại sau khi hãng này tuyên bố ngừng thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này.
Phát biểu họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Lopez Gatell cho rằng việc ngừng các cuộc thử nghiệm lâm sàng "là một sự cố hy hữu", song sự cố này khiến việc triển khai tiêm vaccine AZD1222 có thể bị trì hoãn trên toàn khu vực.
Vaccine AZD1222 do Đại học Oxford của Anh và hãng AstraZeneca phát triển đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên khoảng 30.000 người. Loại vaccine này đã tạo ra các phản ứng miễn dịch mạnh. Theo kế hoạch, các thử nghiệm dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai trong năm sau và đơn xin phê duyệt vaccine có thể sẽ được nộp vào quý III năm nay. Tuy nhiên, ngày 8/9, AstraZeneca đã quyết định ngừng thử nghiệm vaccine do một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã mắc một chứng bệnh chưa xác định.