Với tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên tới trên 19,11 triệu ca, trong đó có khoảng 337.000 ca tử vong, Mỹ hiện là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ với nhiều kế hoạch du lịch và sum họp gia đình, giới chuyên gia lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn có thể khiến tình hình dịch bệnh trong nước thêm trầm trọng. Trong đêm Giáng sinh, California là bang đầu tiên tại Mỹ có tổng số ca nhiễm vượt 2 triệu ca.
Bất chấp khuyến nghị của giới chuyên gia y tế về việc hạn chế đi lại và ở yên trong nhà, trong ngày 23/12, số người đã đi qua các cửa kiểm soát an ninh sân bay của Mỹ là 1,19 triệu người, giảm 40% so với năm trước đó nhưng lại mức cao nhất ghi nhận được kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh vào giữa tháng 3/2020. Trong các ngày từ 18/12 đến 23/12, trung bình mỗi ngày các sân bay của Mỹ tiếp nhận khoảng 1 triệu lượt người đi du lịch.
Tại châu Âu, đặc biệt là tại Anh dịch bệnh diễn ra vẫn hết sức phức tạp, nhất là sau khi nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tên gọi VUI-202012/01. Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận thêm 39.036 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia châu Âu này lên gần 2,2 triệu ca. Dù số ca nhiễm mới có giảm so với con số 39.237 ca - mức kỷ lục được ghi nhận một ngày trước đó, song đây vẫn là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm trong ngày tại Anh vượt ngưỡng 30.000 ca, đồng thời là ngày có số ca nhiễm mới nhiều thứ hai kể từ đỉnh dịch hồi tháng 4/2020.
Trước tình hình trên, nhiều nước đã siết chặt các hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Anh. Giới chức Mỹ thông báo những hành khách đến từ Anh cần phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi đến nước này. Quy định trên có hiệu lực từ ngày 28/12 tới và việc xét nghiệm phải được thực hiện trước khi lên máy bay 72 giờ.
Hãng tin Interfax đưa tin những người từ Anh nhập cảnh vào Nga đều phải tự cách ly bắt buộc trong vòng hai tuần. Trước đó, đầu tuần, Nga đã ngừng các chuyến bay đi và đến từ Anh trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 22/12.
Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo những người từng ở bên ngoài Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 2 - 24/12 sẽ phải cách ly bắt buộc tại những khách sạn được chỉ định trong 21 ngày, thay vì 14 ngày như trước. Những người này sẽ phải xét nghiệm vào ngày thứ 19 hoặc 20 sau khi nhập cảnh và Hong Kong và sẽ tiếp tục phải cách ly cho đến khi có kết quả.
Không chỉ Anh, nhiều nước trên thế giới cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể VUI-202012/01. Trong 24 giờ qua, Đức, Nhật Bản, Liban đều thông báo ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các trường hợp này đều trở về từ Anh.
Sự xuất hiện biến thể VUI-202012/01 với tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng gốc đang là thách thức lớn trong cuộc đua kiểm soát dịch bệnh.
Đối với Nhật Bản, việc xuất hiện biến thể VUI-202012/01 là rất đáng lo ngại trong bối cảnh số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 ở thủ đô Tokyo liên tục tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Trong 24 giờ qua, thành phố này ghi nhận thêm 884 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ hai liên tiếp thành phố này có trên 800 ca nhiễm mới, với số ca bệnh nặng là 81, tăng 8 ca so với một ngày trước đó và cũng là con số cao nhất kể từ khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.
Giới chuyên gia Nhật Bản cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ bùng nổ số ca nhiễm tại Tokyo, đồng thời kêu gọi áp dụng các biện pháp phòng ngừa tối đa. Chuyên gia Masataka Inokuchi, Phó Chủ tịch Hội Y học Tokyo, cảnh báo hệ thống y tế của Tokyo có thể bị quá tải trong giai đoạn cuối năm 2020 và đầu Năm Mới 2021. Trước tình hình trên, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã kêu gọi người dân nước này đón Năm mới một cách lặng lẽ và tránh tổ chức các cuộc tụ tập gia đình và bạn bè nhằm kiềm chế số ca lây nhiễm đang gia tăng gần đây.
Phát biểu tại cuộc họp báo cuối cùng của năm 2020, Thủ tướng Suga khẳng định chưa cần thiết phải áp đặt trở lại tình trạng khẩn cấp và chính phủ sẽ tìm cách khuyến khích các nhà hàng rút ngắn thời gian hoạt động. Ông đồng thời kêu gọi sự hợp tác của người dân bằng cách hạn chế các cuộc tụ tập càng nhiều càng tốt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong kỳ nghỉ lễ.
Hàn Quốc cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao chưa từng thấy mặc dù nước này đã ban hành các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus trong mùa Đông. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này đã ghi nhận thêm 1.241 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1.216 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca bệnh ở nước này lên 54.770 ca.
Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận thêm 258 ca tử vong do COVID-19 - mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số người không qua khỏi lên 20.847 trường hợp. Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, số ca nhiễm mới cũng tăng thêm 7.259 ca, đưa tổng số ca bệnh lên 700.097 ca. Indonesia hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Thái Lan cho biết các ca bệnh liên quan đến ổ dịch mới được phát hiện tại chợ tôm ở tỉnh Samut Sakhon đã lây lan ra tới 31/77 tỉnh, thành của nước này. Cho đến nay, đã có 8.810 người được xét nghiệm ở tỉnh Samut Sakhon và 1.308 người (15%) cho kết quả dương tính. Các quan chức y tế đã lên kế hoạch xét nghiệm khoảng 10.000 người. Trong số 1.308 lao động nhập cư mắc COVID-19, khoảng 500 bệnh nhân đã được nhập viện, số còn lại đang được cách ly.
Trong khi đó, Nam Phi - quốc gia chịu tác động nặng nề nhất tại châu Phi, mới đây cũng đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tên gọi 501.V2. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận tổng cộng 14.305 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc trên cả nước lên 968.563 ca trong khi số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này cũng tăng thêm 326 ca lên 25.983 ca. Trong hai ngày qua, mỗi ngày Nam Phi đều phát hiện khoảng 14.000 ca mắc mới. Do đó, nhà chức trách nước này kêu gọi tất cả người dân cùng đoàn kết để đẩy lùi dịch bệnh.
Liên quan đến vaccine phòng dịch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya của Nga, ông Alexander Ginzburg, cho biết khoảng 85% số người được tiêm vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 do nước này sản xuất không có tác dụng phụ trong 3 giai đoạn thử nghiệm. Theo ông, các cuộc thử nghiệm cũng ghi nhận 15% số người tiêm Sputnik V bị tấy đỏ tại chỗ tiêm và bị đau đầu nhẹ, nhưng triệu chứng này đã hết trong vòng 24 giờ sau khi tiêm. Triệu chứng khó chịu nhất có thể xảy ra là sốt 38 độ trong 2 ngày nhưng có thể uống một viên paracetamol để hạ sốt.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp miễn phí cho toàn bộ người dân vaccine phòng COVID-19, do hãng Sinopharm của Trung Quốc phát triển. Bộ Y tế và Phòng ngừa của UAE (MOHAP) cho biết loại vaccine được đề cử do hãng Sinopharm, Trung Quốc phát triển, đã được đăng ký tại UAE vào đầu tháng 12. Dựa trên phân tích tạm thời của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, vaccine đạt hiệu quả phòng ngừa virus là 86%.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế bang Sao Paulo của Brazil - ông Jean Gorinchteyn, cho biết vaccine CoronaVac của công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả phòng ngừa COVID-19 từ 50 - 90% trong các cuộc thử nghiệm ở Brazil. Brazil là nước đầu tiên hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng của CoronaVac trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Viện Butantan và công ty Sinovac.