Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt 20,8 triệu người

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 13/8 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 20.875.703 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 748.290 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 228.572 ca tử vong trên tổng số ca nhiễm là 5.821.886 trường hợp; tiếp đó là châu Âu 214.604 ca tử vong trên 3.433.581 ca mắc bệnh, rồi đến Mỹ và Canada 175.069 ca tử vong trên 5.317.994 ca mắc bệnh. Châu Á có 75.896 ca tử vong trên 3.709.662 ca bệnh; Trung Đông có trên 31.000 ca tử vong; châu Phi trên 24.000 ca tử vong và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại dương là 394 người.

Có tới 50% số trường hợp tử vong trên thế giới ghi nhận tại các quốc gia: Mỹ (166.038 ca), Brazil (104.201 ca), Mexico (54.666 ca) và Ấn Độ (47.033).

Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân thì lại có 85 người không qua khỏi căn bệnh này; tiếp đó là Anh (với tỷ lệ 69 người), Peru (66 người), Tây Ban Nha (61 người) và Italy (58 người).

Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 13/8 thông báo ghi nhận thêm 4.002 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, 1.403 ca bình phục và 23 ca tử vong. DOH nêu rõ tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đến nay đã lên tới 147.526 ca, trong đó có 70.387 ca đã phục hồi và 2.426 ca tử vong. Philippines hiện là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.  

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà ga ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Chính phủ Philippines cho biết hầu hết các ổ dịch COVID-19 được xác định ở các cộng đồng đông dân cư - nơi nhiều bệnh nhân hiện được cách ly tại nhà.

Indonesia cũng ghi nhận 2.098 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 132.816 ca. Với 65 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong tại Indonesia hiện tăng lên tới 5.968 ca.

Hiệp hội Giáo viên Indonesia (FSGI) cảnh báo việc mở cửa trường học tại một số địa phương có nguy cơ tạo ra các ổ dịch COVID-19 mới, sau khi ít nhất 180 học sinh và giáo viên đã được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ khi năm học mới bắt đầu hồi tháng 7. Trước đó, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này đã cho phép trường học mở cửa trở lại một cách hạn chế tại các vùng "xanh" và vùng "vàng", những nơi ghi nhận số ca nhiễm giảm. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại khóa bị cấm. Các bậc phụ huynh có quyền không cho con đến trường. 

Trong báo cáo ngày 13/8, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Indonesia cảnh báo việc mở lại trường học "có nguy cơ khiến tình trạng lây nhiễm tệ hơn, đặt ra một gánh nặng lớn hơn đối với các cơ sở y tế quốc gia vốn đang rất hạn chế, và về lâu dài sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế".

Một số tỉnh ở Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm tăng cao trong giới trẻ. Tại Papua, gần 300 người dưới 19 tuổi đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 12/8. Một nhóm tình nguyện thu thập thông tin mang tên Lapor COVID-19 cho biết đã phát hiện 6 ổ dịch xuất phát từ các trường học mở cửa trở lại tại Tây Kalimantan, trên đảo Borneo.

Để đề phòng dịch bệnh lây lan, Campuchia đã thông báo hủy lễ hội té nước vốn được lên kế hoạch diễn ra từ ngày 30/10 - 1/11 tới. Đây là sự kiện thường niên lớn nhất tại Campuchia, thu hút người dân từ các tỉnh nông thôn đến thủ đô Phnom Penh.

Tâm dịch của châu Á là Ấn Độ đã ghi nhận 66.999 ca mắc trong 24 giờ qua - một mức cao kỷ lục theo ngày, đưa tổng số bệnh nhân tại nước này lên gần 2,4 triệu người, trong đó có 47.033 trường hợp tử vong, tăng 942 ca so với 1 ngày trước đó. Như vậy trong 1 tuần qua, trung bình Ấn Độ mỗi ngày ghi nhận ít nhất 58.000 ca nhiễm. Đây là tốc độ lây nhiễm cao nhất trên thế giới, mặc dù nước này xếp thứ ba về tổng số ca COVID-19, sau Mỹ và Brazil.

Tuy nhiên, điều lạc quan là tỷ lệ tử vong do căn bệnh này tại Ấn Độ đã tiếp tục giảm xuống còn 1,98%. Bộ Y tế cho biết thêm hơn 70% các trường hợp tử vong là do có sẵn bệnh lý nền. Bên cạnh đó, Hội đồng nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR) thông báo trong ngày 12/8, Ấn Độ đã tiến hành tới 830.391 lượt xét nghiệm COVID-19, mức cao nhất trong một ngày. Đến nay, nước này đã thực hiện tổng cộng hơn 2,68 triệu lượt xét nghiệm.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 13/8 cũng ghi nhận 69 ca nhiễm mới, trong đó có tới 65 ca lây truyền trong cộng đồng. Nhà chức trách địa phương cảnh báo trung tâm tài chính toàn cầu này vẫn phải đối mặt với giai đoạn rất quan trọng để kiểm soát dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại Milan, Italy, ngày 29/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Chính phủ Italy đã quyết định tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với tất cả những người trở về từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Malta và Croatia, sau khi nước này ghi nhận một số ca nhiễm mới là người trở về từ các nước châu Âu nói trên.

Bộ Y tế Italy cho biết người nhập cảnh có 3 lựa chọn hình thức xét nghiệm, gồm xét nghiệm nhanh tại sân bay, cảng biển và nhà ga tàu; xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ sau khi nhập cảnh, hoặc xuất trình chứng nhận xét nghiệm có kết quả âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh Italy. Để triển khai công tác xét nghiệm này, Bộ Y tế Italy đã chỉ thị các vùng sẵn sàng cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu để tiến hành các xét nghiệm nói trên.

Trong khi đó, Đức đã đưa thủ đô Bucharest của Romania và 10 khu vực khác của nước này vào danh sách các điểm có nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao, đồng thời khuyến cáo hạn chế qua lại các địa điểm này. Theo đó, những người đến Đức sau khi thăm những địa điểm nói trên sẽ phải tiến hành xét nghiệm và cách ly nếu có kết quả dương tính. Bộ trưởng Lao động Đức đã hủy chuyến công tác tới Bucharest.

Cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, Đức đang cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát mà nguyên nhân chủ yếu do lưu lượng người đi lại giữa các nước trong kỳ nghỉ hè. 

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng trở lại, Thụy Sĩ thông báo gia hạn lệnh cấm tổ chức các sự kiện có trên 1.000 người tham gia, đến ngày 1/10, thay thế lệnh hết hiệu lực vào ngày 31/8. Quyết định này đã dẫn tới việc phải hủy bỏ Giải đua xe đạp thế giới, trong khi Giải vô địch bóng đá quốc gia và Giải đấu khúc côn cầu trên băng cân nhắc lại thời điểm khởi tranh.

Tại châu Mỹ, Tổng thống Peru Martin Vizcarra quyết định khôi phục lệnh giới nghiêm vào Chủ nhật hằng tuần trên cả nước để ngăn chặn sự lây lan của virus, theo đó người dân phải ở trong nhà ngày nghỉ cuối tuần. Kể từ khi Chính phủ Peru gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng từ 3.300 lên 7.000 ca. Peru đã thực hiện lệnh giới nghiêm vào các ngày chủ nhật hồi tháng 4 vừa qua, vài tuần sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo lệnh giới nghiêm, chỉ những người làm việc trong những ngành đặc thù, như bệnh viện, mới được phép ra khỏi nhà. Cho đến nay, lệnh giới nghiêm ban đêm được thực hiện từ 16/3 vẫn được duy trì, biên giới vẫn đóng cửa, trong khi các trường học ngừng hoạt động cho đến hết năm 2020.

Tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo nước này ghi nhận thêm 14 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp COVID-19, trong đó 13 ca liên quan đến 4 ca được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 trước đó tại thành phố Auckland. Trong số 13 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, 7 trường hợp là người trong gia đình của 4 trường hợp ở  Auckland nói trên, các ca còn lại là những trường hợp có tiếp xúc gần với các ca bệnh trước đó. Ngoài ra, 1 trường hợp còn lại là công dân New Zealand mới trở về từ Philippines. Tất cả các trường hợp này đã thực hiện cách ly ngay lập tức.

Giám đốc Y tế New Zealand, Tiến sĩ Ashley Bloomfield cho biết thời gian sớm nhất mà những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng là vào khoảng ngày 31/7, do đó ca nhiễm đầu tiên có thể đã xuất hiện trong cộng đồng từ vài tuần trước đó.

Còn tại châu Phi, Bộ Y tế Liberia xác nhận Phó Tổng thống nước này - bà Jewel Howard-Taylor đã dương tính với virus SARS- CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện bà đang được điều trị tại Ghana.

Thanh Phương (TTXVN)
Chính phủ Anh bị chỉ trích về hệ thống tính điểm thi cử mới thời dịch COVID-19
Chính phủ Anh bị chỉ trích về hệ thống tính điểm thi cử mới thời dịch COVID-19

Ngày 13/8, Chính phủ Anh đã bị chỉ trích về hệ thống tính điểm thi cử mới được ban hành sau khi dịch COVID-19 buộc nước này phải hủy các kỳ thi cử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN