Giới chức Y tế cũng thông báo thêm 6 ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus này gây ra, đưa tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này lên 25 ca. Thủ đô Jakarta là nơi ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trên cả nước.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đang cân nhắc sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các phòng thí nghiệm trên khắp cả nước nhằm tăng tốc phát hiện các ca lây nhiễm.
Tổng Vụ trưởng Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật thuộc Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết bộ này đã nhất trí nghiên cứu khả năng thực hiện các xét nghiệm nhanh trên khắp cả nước vì cho kết quả sớm hơn.
Theo ông Yurianto, giới chức Indonesia xem xét kế hoạch trên sau khi các quốc gia khác thay đổi phương pháp xét nghiệm COVID-19 từ xét nghiệm thông thường sang xét nghiệm nhanh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ khi nào các bộ xét nghiệm nhanh sẽ được phân phối trong nước.
Ông Yurianto - hiện là người phát ngôn của chính phủ Indonesia về vấn đề COVID-19 - giải thích rằng xét nghiệm nhanh chỉ cần các mẫu huyết thanh và có thể được thực hiện tại tất cả các phòng thí nghiệm y tế trên cả nước. Tất cả mọi người đều có thể được xét nghiệm, dù xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh hay không. Phương pháp xét nghiệm nói trên cũng dễ thực hiện hơn, vì các xét nghiệm thông thường chỉ được tiến hành tại các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp hai, và sử dụng mẫu xét nghiệm chính gồm dịch họng hầu.
Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp xét nghiệm nhanh này nằm ở chỗ chỉ được thực hiện với các mẫu globulin miễn dịch vốn xuất hiện ở những bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 ít nhất một tuần. Trong khi đó, một quan chức thuộc Bộ Các doanh nghiệp nhà nước Indonesia (BUMN) cho biết một công ty nhà nước đang chờ Bộ Y tế phê chuẩn để nhập khẩu 500.000 bộ test nhanh COVID-19 từ Trung Quốc.
* Cùng ngày, Ấn Độ đã phong tỏa các tuyến phố tại vùng lãnh thổ Kashmir do quốc gia này kiểm soát sau khi vùng này xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khi nhiều vùng khác cũng đã cấm tụ tập đông người nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tới nay, so với những nơi khác trên thế giới, tác động của dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ vẫn còn ở mức thấp.
Tuy nhiên, các ca nhiễm mới ở quốc gia này, Pakistan, Afghanistan và Sri Lanka đang có dấu hiệu gia tăng lên con số 500 người nhiễm trong khi số người tử vong tại khu vực này là 5. Giới chức lo ngại các quốc gia này đứng trước nguy cơ cực kỳ cao nếu dịch bệnh bước sang giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng do cơ sở vật chất và điều kiện chăm sóc y tế còn yếu kém.
* Chủ tịch Ủy ban bầu cử Sri Lanka Mahinda Deshapriya, ngày 18/3, cho biết quốc gia này sẽ không tổ chức cuộc tổng tuyển cử như dự kiến vào ngày 25/4 tới vì dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Hồi đầu tuần này, Sri Lanka đã cấm mọi chuyến bay đến quốc gia này trong vòng 2 tuần và áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số khu vực để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện Sri Lanka ghi nhận hơn 50 ca nhiễm bệnh COVID-19.
* Bộ Kế hoạch, Tài chính và Công nghiệp Myanmar công bố kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19 trong lĩnh vực dệt may, khách sạn và du lịch cũng như những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Ngân sách ban đầu dành cho kế hoạch này là 100 tỷ kyat (71,4 triệu USD), trong đó có 50 tỷ Kyat trích từ các quỹ xoay vòng và quỹ an ninh xã hội. Các khoản cho vay sẽ dành cho các doanh nghiệp trong diện chịu tác đông, với mức lãi suất 1%, kỳ hạn một năm.