Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn dẫn thông báo của Bộ Y tế Lào cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Lào tăng cao và đáng lo ngại khi tiếp tục ghi nhận nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Savannakhet vẫn diễn biến phức tạp khi tiếp tục là nơi có nhiều ca mắc COVID-19 nhất cả nước với 195 ca nhập cảnh và 26 ca cộng đồng. Đây là một trong những tỉnh có nguy cơ cao dịch sẽ bùng phát ở diện rộng do có số lượng lớn lao động trở về từ nước ngoài, trong đó có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh để ngăn chặn nguy cơ tạo ra làn sóng dịch thứ 3 trong cộng đồng. Đồng thời, Chính phủ Lào yêu cầu khẩn trương tiếp tục truy vết người nhiễm bệnh để điều trị kịp thời và đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly theo quy định.
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 16.365 ca, trong đó có 16 người tử vong.
* New Zealand cùng ngày ghi nhận 21 ca mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, tất cả đều ở thành phố Auckland, nâng tổng số ca mắc trong đợt bùng phát dịch mới nhất lên 841 ca. Tất cả các ca mắc mới đều nhiễm biến thể Delta.
Phát biểu họp báo, quan chức hàng đầu ngành y tế New Zealand Ashley Bloomfield cho biết tới nay, riêng Auckland đã ghi nhận 824 ca lây nhiễm trong cộng đồng và thủ đô Wellington có 17 trường hợp. Trong số các ca mắc trong nước hiện nay có 39 ca phải nhập viện. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại New Zealand từ đầu dịch đã lên tới 3.813 ca.
Từ 23h59' đêm 7/9 (theo giờ địa phương), mọi khu vực bên ngoài Auckland sẽ chuyển sang mức cảnh báo cấp 2. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp và trường học được phép hoạt động trở lại bình thường song việc đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc và các cuộc tụ tập họp không quá 50 người. Riêng thành phố Auckland vẫn duy trì mức cánh báo cấp 4 trong ít nhất một tuần nữa.
Mô hình chống dịch hiệu quả của New Zealand được quốc tế đánh giá cao khi nước này chỉ ghi nhận 27 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 5 triệu dân. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng ở nước này có phần chậm chạp khi mới chỉ khoảng 26% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.