Trong thông báo ra ngày 1/6, Bộ Y tế Malaysia cho biết bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất cả nước, với 2.068 ca. Tuy nhiên, lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur đã thay thế bang Kelantan đứng ở vị trí thứ 2, với 817 ca và bang Sarawak vẫn đứng ở vị trí thứ 3, với 703 ca. Tới nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 579.426 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Để ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh, Malaysia áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 1/6, chỉ mở cửa đối với các lĩnh vực kinh tế thiết yếu. Đối với lĩnh vực xã hội, ngày 1/6, Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia quyết định bổ sung thêm quy định cấm trẻ em dưới 12 tuổi ra nơi công cộng trong thời gian phong tỏa toàn diện.
Theo Trình tự Vận hành tiêu chuẩn (SOP), được Hội đồng An ninh quốc gia thông qua, ngoài việc khẩn cấp, điều trị y tế, giáo dục và luyện tập thể dục thể thao, trẻ em dưới 12 tuổi không được ra nơi công cộng.
Thống kê của Bộ Y tế Malaysia cho thấy tới nay có 82.341 người dưới 18 tuổi ở nước này mắc COVID-19, trong đó độ tuổi nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất là từ 13-17, với tổng cộng 27.402 ca.
Trước thực trạng số ca nhiễm mới gia tăng, Malaysia yêu cầu những người đến cơ sở dịch vụ, sản xuất, thương mại trong diện phủ sóng Internet đều phải khai báo bằng ứng dụng truy vết MySejahtera.
Theo SOP áp dụng cho thời kỳ phong tỏa toàn diện được Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia công bố ngày 1/6, chỉ những nơi không có Internet hay có lý do hợp lý như là người cao tuổi, không có điện thoại thông minh, người đến các cơ sở dịch vụ, sản xuất, thương mại mới được ghi sổ. Ngoài ra, chủ các cơ sở phải đảm bảo chỉ cho vào cơ sở những người mà ứng dụng MySejahtera hiển thị kết quả “rủi ro thấp”.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, báo Khmer Times có bài tổng kết về tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia sau 100 ngày kể từ “sự cố cộng đồng ngày 20/2”, làm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 tại nước này. Tính đến nay, dịch bệnh đã lan rộng ra tất cả 25 tỉnh, thành của Campuchia, làm hơn 30.000 nhiễm bệnh và 220 người tử vong.
Trong thời gian qua, cùng với nỗ lực dập dịch bằng nhiều biện pháp như phong tỏa, giới nghiêm, hạn chế đi lại giữa các địa phương, phân vùng màu vàng, vàng đậm và đỏ, Campuchia cũng xác định chỉ có tiêm vaccine phòng COVID-19 mới giúp nước này thắng dịch để hồi phục kinh tế.
Trong 110 ngày thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên quy mô lớn, số người đã được tiêm phòng là 2,6 triệu người trong khi kế hoạch của Chính phủ đặt mục tiêu tiêm phòng cho tổng số 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay.
Theo thông cáo cập nhật của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 616 ca mắc COVID-19 (trong đó có 585 ca lây nhiễm cộng đồng và 31 ca nhập cảnh), ít hơn số ca hồi phục là 753 người, trong khi có thêm 6 người tử vong.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 30.710 ca mắc COVID-19, trong đó có 23.389 người đã khỏi bệnh và 220 người tử vong.
Cùng ngày, thủ đô Phnom Penh xác nhận và nêu tên 5 quận có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong tuần qua, gồm các quận Por Senchey, Meanchey, Sen Sok, Russey Keo và Kambol.
Trong một thông điệp gửi báo giới tối 31/5, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã bác bỏ thông tin cho rằng chính quyền thủ đô Campuchia sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa trong thời điểm số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tiếp tục gia tăng.
Quan chức đứng đầu thủ đô Phnom Penh khẳng định rằng chính quyền thủ đô đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế Campuchia để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh lây lan.