Theo giới chuyên gia y tế, sự lan rộng của biến thể Delta trên khắp Thái Lan cùng với yếu tố tỷ lệ tiêm chủng thấp đồng nghĩa với việc ca mắc mới và tử vong sẽ tiếp tục tăng đột biến.
Tờ Bloomberg đưa tin, hôm 8/7, Thái Lan ghi nhận thêm 75 người tử vong mới do COVID-19 – mức cao kỷ lục trong 24h - nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.462 người kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái. Ngoài ra, số trường hợp mắc mới COVID-19 tại đây cũng thêm 7.058 ca sau 24h, nâng tổng số người mắc bệnh lên 308.230.
Trong khi đó, các bệnh viện đã báo cáo tình trạng hết giường điều trị cho những bệnh nhân nặng sau khi số ca lây nhiễm tăng gấp 10 lần so với đầu tháng 4. Tình trạng này khiến các nhà chức trách phải lập nên những cơ sở điều trị tạm thời và thậm chí chuyển đổi một số khách sạn thành bệnh viện dã chiến.
Là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc báo cáo về sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Thái Lan đang phải vật lộn để khống chế đại dịch sau bước thành công ban đầu của năm ngoái, khi họ áp đặt một lệnh phong tỏa chặt chẽ.
Tuy nhiên, biện pháp phong tỏa mạnh tay đó đã làm tê liệt ngành du lịch quan trọng và đẩy nền kinh tế vào viễn cảnh tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha muốn tránh gây thêm thiệt hại về việc làm của người dân và cho các ngành công nghiệp nên đang thúc đẩy việc mở cửa trở lại sớm.
Nhưng với sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan hơn, các nhà lãnh đạo phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng về việc phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Tiến sĩ Anan Jongkaewwattana - chuyên gia về virus học phân tử và là Giám đốc đơn vị nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học – nhận định rằng sự chần chừ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn cho Thái Lan.
Tiến sĩ Anan cho biết: “Phong tỏa nghiêm ngặt là lối thoát duy nhất. Nó có thể làm tổn hại nền kinh tế bây giờ, nhưng mọi thứ sẽ tốt hơn về lâu dài một khi chúng ta có thể kiềm chế sự lây lan”.
Tháng trước, Thủ tướng Prayut đã đặt mốc thời gian 120 ngày để mở cửa toàn diện Thái Lan đối với du khách ngoại quốc đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ông tuyên bố kế hoạch này là một rủi ro được tính toán trước để giảm bớt nỗi khổ cực của những người mất khả năng kiếm thu nhập từ ngành du lịch. Ông muốn ngành du lịch - đóng góp khoảng 20% vào tổng sản phẩm quốc nội trước đại dịch - sẽ lại tăng trưởng.
Điều đó sẽ cho phép nhiều doanh nghiệp ở Bangkok và các tỉnh lân cận được hoạt động bình thường mặc dù nằm trong các điểm nóng lây nhiễm hiện tại. Mặc dù ông Prayut đã ra lệnh hạn chế đối với các nhà hàng và công trình xây dựng, nhưng tình trạng lây nhiễm vẫn bùng phát với số ca mắc hàng ngày trung bình là hơn 5.000 người trong tuần qua.
Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Thái Lan ngày ngày 7/7 thông báo sẽ xem xét việc phong tỏa Bangkok cùng một số điểm nóng khác nếu giới chức y tế đề nghị.
Tiến sĩ Anan cho hay nếu tình trạng này tiếp diễn, đợt bùng phát ở Thái Lan sẽ còn tồi tệ hơn ở Indonesia khi tính theo đầu người, với 20.000 ca mỗi ngày trong vài tháng tới.Theo ông, tình trạng lây nhiễm không chỉ xuất hiện ở các công trình xây dựng và cộng đồng đông đúc mà còn lan rộng hơn thế nên những hạn chế hiện tại là không đủ.
Sự bùng phát ngày càng tồi tệ cũng đã làm tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư đối với chứng khoán và tiền tệ của Thái Lan. Đồng baht đang giao dịch gần mức thấp nhất trong 14 tháng so với đồng đô la Mỹ. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán SET của Thái Lan giảm 3,5% từ mức cao nhất trong 19 tháng đạt được vào giữa tháng 6 khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển sang bán ròng 1,48 tỷ USD cổ phiếu trong quý thứ hai.