Singapore trước thời khắc đổi thay

Cuộc tổng tuyển cử ngày 11/9 tại Singapore bầu ra Quốc hội khóa 13, đồng thời giới thiệu thế hệ lãnh đạo thứ tư và thứ năm cho đất nước này.


Diễn ra trong bối cảnh hoàn toàn mới, đây là cuộc bỏ phiếu có “sức nóng” nhất trong nửa thập kỷ qua, đặt “đảo quốc Sư tử” đứng trước những thay đổi lớn, và đặc biệt, sẽ chứng kiến Thủ tướng Lý Hiển Long trao quyền cho người kế cận.

Đối đầu

Sau nửa thế kỷ trưởng thành và phát triển, Singapore hiện đang đứng trước một giai đoạn lịch sử mới sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời. Đây là lần đầu tiên trong 60 năm, tổng tuyển cử ở “đảo quốc Sư tử” thiếu vắng nhà lập quốc Lý Quang Diệu. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi liệu phương châm và triết lý trị nước do ông sáng lập có còn được duy trì, và phải chăng đã đến lúc các chính sách cơ bản của đảo quốc xinh đẹp này trải qua bước thay đổi lớn?

Thủ tướng Lý Hiển Long và các thành viên của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền trong một cuộc vận động tranh cử.


Theo giới phân tích, cuộc tổng tuyển cử năm nay tại Singapore là cuộc đối đầu giữa Lao động (WP) - đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội hiện nay - và đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, WP tập trung vào những vấn đề như giá trị cốt lõi của Singapore, an ninh kinh tế, củng cố giáo dục, gia đình và phúc lợi xã hội, nhà ở và đô thị, vấn đề quản trị cũng như quan hệ đối ngoại. Chính đảng này đặt mục tiêu giành được 28/89 ghế Quốc hội và áp dụng “chiến lược khu vực bầu cử quốc gia” từng đưa WP đến thành công trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Khi đó, kêu gọi một “Quốc hội Thế giới thứ nhất”, WP dồn lực cho Khu vực bầu cử đại diện nhóm Aljunied và đã giành được số phiếu cao kỷ lục, với 4 ghế nghị sỹ, giảm số phiếu ủng hộ đảng PAP cầm quyền xuống còn 61%.

Về phần mình, PAP tranh cử với cương lĩnh “Với các bạn, vì các bạn, vì Singapore”. Các nhà lãnh đạo đảng này khẳng định những vấn đề mà người dân đang phải đối mặt - gồm chi phí y tế, nhà ở, việc làm, tuyển dụng lao động, giáo dục và sức ép thu nhập trung bình - chính là điều họ tìm cách giải quyết. Bên cạnh đó, các mối đe dọa trong tương lai đối với Singapore là những thách thức trong nước khi xã hội trở nên khác biệt hơn, những thách thức bên ngoài như triển vọng kinh tế toàn cầu bất định, sự cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, tác động của công nghệ đối với việc làm và những mối đe dọa như cực đoan và khủng bố. Theo PAP, để giải quyết những thách thức này, người Singapore “cần thực tế, dám đối mặt với thực tại, và đưa ra những giải pháp mới”.

Tổng tuyển cử năm nay là một trong những cuộc bầu cử cạnh tranh nhất trong những năm gần đây tại Singapore. Với sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo chính trị mới của hai chính đảng lớn, của một thế hệ có nhận thức chính trị tốt hơn, và quan trọng hơn cả là sự xuất hiện của những vấn đề đang tác động đến mọi tầng lớp người dân, đây sẽ là một thử thách chính trị đối với PAP và phe đối lập. Chắc chắn sự cạnh tranh giữa PAP - WP sẽ rất khốc liệt, thậm chí những thay đổi khôn khéo trong chiến lược tranh cử cũng có thể làm thay đổi kết quả chung cuộc.

Thách thức với PAP

Việc WP chỉ nêu mục tiêu khiêm tốn 28 ghế đồng nghĩa với việc PAP chắc chắn giành đa số. Vấn đề giờ đây chỉ là PAP sẽ làm cách nào nâng tỷ lệ ủng hộ mình cao hơn mức đã nhận được ở cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Điều này đòi hỏi PAP phải đưa ra được những cái mới để thu hút cử tri.

Trên thực tế, ngay từ sau cuộc bầu cử năm 2011, Tổng Thư ký PAP Lý Hiển Long đã cam kết đưa ra một “công thức mới” để lãnh đạo đất nước. Hai năm sau đó, ông tuyên bố chính phủ đang chuyển sang một trạng thái cân bằng mới giữa nhà nước - cộng đồng - cá nhân, trong đó nhà nước sẽ đưa ra ngày càng nhiều sự hỗ trợ để giúp người dân Singapore về nhà ở, y tế và giáo dục. Theo năm tháng, nhà nước ngày càng có nhiều sự hỗ trợ cho người nghèo và những người kém may mắn trong xã hội, cho thế hệ tiền phong, nhóm người có thu nhập trung bình và thế hệ trẻ. Chính phủ cũng đã giúp doanh nghiệp chuyển đổi trong một nền kinh tế eo hẹp về lực lượng lao động và hướng đến tăng năng suất. Chương trình tín dụng năng suất và đổi mới cũng như cơ chế tín dụng lương là những ví dụ cho thấy chính phủ đã tìm cách giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, nhiều chính sách khác về lao động cũng được thắt chặt nhằm đảm bảo rằng việc bổ sung lao động nước ngoài sẽ chỉ được phép nếu người Singapore không đảm nhận công việc đó. Các tác động của những thay đổi trên chính là tín hiệu chính trị cho thấy đảng cầm quyền đang tiến gần đến “công thức mới” hiệu quả.

PAP đã có một giai đoạn điều hành hiệu quả trong hơn 50 năm và đưa Singapore từ đất nước thuộc “thế giới thứ ba” trở thành đất nước thuộc “thế giới thứ nhất”. Tuy nhiên, cử tri Singapore ngày nay gồm đa phần là người trẻ, đặc biệt là những người sinh ra sau năm 1965. Với họ, câu chuyện "từ thế giới thứ ba thành thế giới thứ nhất" không gây ấn tượng và không phải vầng hào quang lấp lánh. Họ chỉ biết về một Singapore đương nhiên nằm trong nhóm phát triển hàng đầu thế giới và trông đợi chính phủ duy trì và cải thiện cả tiêu chuẩn cũng như chất lượng cuộc sống cho người dân. Bên cạnh đó, họ cũng có xu hướng đa dạng hóa chính trị. PAP sẽ phải nỗ lực để vượt qua thách thức này.

Bạch Dương
Cuộc bầu cử định hình tương lai “đảo quốc Sư tử”
Cuộc bầu cử định hình tương lai “đảo quốc Sư tử”

Cuộc tổng tuyển cử vào ngày 11/9 tới thực sự có ý nghĩa quan trọng với cử tri Singapore.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN