Dù Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng và thành lập chính phủ mới, song cuộc bầu cử này, theo nhận định chung của các chính đảng và giới quan sát sở tại, sẽ định hình đường hướng phát triển tương lai của “đảo quốc Sư tử” trong bối cảnh mới ở cả trong và ngoài nước.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (giữa) trả lời báo giới sau khi nộp đơn đăng ký tranh cử ngày 1/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo Cơ quan bầu cử Singapore, năm nay sẽ có 2.460.977 cử tri đủ tư cách tham gia bầu cử, tăng 110.720 người so với năm 2011. Cử tri sẽ đi bỏ phiếu ở 16 khu vực bầu cử đại diện nhóm (GRC) và 13 khu vực bầu cử một thành viên (SMC). Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào 10 giờ tối 11/9, khoảng 2 giờ sau khi các điểm bỏ phiếu trên cả nước đóng cửa.
So với cách đây 4 năm, cuộc tổng tuyển cử năm nay được dự báo sẽ đặc biệt căng thẳng. Phó Giáo sư Eugene Tan thuộc Đại học Quản lý Singapore thậm chí còn cho rằng đây là cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt bởi lần đầu tiên từ khi tuyên bố độc lập năm 1965, Singapore sẽ thiếu vắng nhà lập quốc Lý Quang Diệu, người mới qua đời hồi tháng 3 năm nay và là yếu tố đảm bảo thắng lợi cho PAP trong tất cả các cuộc bầu cử trước đây.
Lần đầu tiên toàn bộ 89 ghế nghị sĩ trong Quốc hội khóa mới sẽ có sự cạnh tranh giữa các chính đảng. Đây cũng là lần đầu tiên Singapore có số lượng cử tri đông kỷ lục và là lần bỏ phiếu đầu tiên của nhiều cử tri trẻ.
Không chỉ có vậy, cuộc tổng tuyển cử năm nay còn diễn ra vào thời điểm đặc biệt khi Singapore trong quá trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Thế hệ lãnh đạo thứ tư sẽ được định hình rõ nét hơn sau cuộc bầu cử này.
Thậm chí, chính Thủ tướng Lý Hiển Long còn cho hay rất có thể một nghị sĩ đắc cử năm nay sẽ là người kế nhiệm ông. Phó Giáo sư Alan Chong thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) nhận định quá trình chuyển giao lãnh đạo ở Singapore có thuận lợi hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết quả bầu cử sắp tới.
Có thể nói sự đa dạng hóa các ứng cử viên năm nay, từ những nhà hoạt động cộng đồng thâm niên đến các chủ doanh nghiệp và cả từ lĩnh vực công, đã phản ánh một chính thể trưởng thành của Singapore, đồng thời cho thấy nhận thức cũng như sự quan tâm cao hơn của người dân trong việc đóng góp xây dựng đất nước.
Thủ tướng Lý Hiển Long (giữa) nói chuyện với người dân khi tới thăm một khu vực được cho là "cứ địa" của đảng Công nhân đối lập ở Hougan hôm 5/9. Ảnh: AFP
|
Rất nhiều cử tri trẻ - những người không chứng kiến quá trình Singapore từ một đảo quốc nghèo khó trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới hiện nay - lần đầu tiên sẽ đi bỏ phiếu và là yếu tố quan trọng trong cuộc bầu cử năm nay.
Đối thủ khó khăn nhất của PAP vẫn là Đảng Lao động (WP) - chính đảng đối lập lớn nhất tại Singapore. Trước khi Quốc hội khóa 12 được giải tán hôm 23/8 để mở đường cho tổng tuyển cử, WP đã giành được 7 ghế nghị sĩ và có quyền điều hành một hội đồng nhân dân.
Việc WP tuyên bố sẽ tranh cử 28 ghế (chưa đủ 1/3 số ghế cần thiết để sửa đổi Hiến pháp nếu đắc cử) cho thấy bản thân đảng này không đặt mục tiêu thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử. Thay vào đó, họ muốn củng cố sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong Quốc hội.
Với việc các đảng đối lập còn lại khó có thể tạo ra đột phá, gần như chắc chắn PAP sẽ giành chiến thắng. Tuy nhiên, như giới lãnh đạo cấp cao của PAP đã thừa nhận, đây vẫn là cuộc bầu cử khó khăn nhất đối với đảng cầm quyền kể từ khi Singapore tuyên bố độc lập đến nay.
Năm 2011, PAP chỉ nhận được 60,1% phiếu bầu, mức thấp kỷ lục trong suốt 50 năm qua. Chính vì thế, việc PAP nhận được bao nhiêu phiếu bầu, dù nhiều khả năng vẫn chiến thắng, sẽ phản ánh sự tín nhiệm của cử tri đối với cách thức điều hành đất nước của PAP thông qua những chính sách của chính phủ.
Hầu hết các chính đảng đối lập trong suốt 8 ngày vận động tranh cử công khai (từ 2-9/9) đều tập trung khai thác vấn đề dòng lao động nước ngoài vào Singapore kéo theo những hệ lụy về phương tiện vận tải công cộng, nhà ở, sinh hoạt phí đắt đỏ,…
Trong khi đó, PAP tập trung nhấn mạnh quá trình điều hành đất nước không chỉ trong 4 năm qua mà còn cả thời gian dài trước đó. Chiến lược này của PAP sẽ giúp cử tri Singapore nhận thức rõ hơn về hiệu quả hoạt động của chính phủ. Nếu cử tri muốn Singapore tiếp tục đi trên con đường thành công, họ cần bỏ phiếu cho đảng cầm quyền.
Diễn ra ở thời điểm cả nước Singapore đang trong không khí lễ hội tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày độc lập, có thể nói cuộc tổng tuyển cử không chỉ đánh dấu những thành công mà “đảo quốc Sư tử” đã đạt được trong quá khứ, mà còn đặt ra những thách thức trong thời gian tới.
Chính vì thế, cuộc bầu cử năm nay còn có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu dân ý về phương hướng phát triển của đất nước Singapore ở kỷ nguyên hậu Lý Quang Diệu, về những chuẩn mực mà người dân trông đợi ở thế hệ lãnh đạo tương lai, về mong muốn giữ gìn và phát huy những thành quả mà thế hệ tiền bối đã đạt được.